Xe chạy 'rùa bò' bám làn trái như những Chí Phèo trên cao tốc

Chạy chậm rì rì nhưng cứ bám làn trái, dứt khoát không cho xe sau vượt là hành vi rất thường gặp ở Việt Nam, những tài xế này bị gọi là 'Chí Phèo trên cao tốc'.

Cách đây không lâu, tôi với vợ đi Thái Nguyên ăn cưới đồng nghiệp. Đang chạy ngon trớn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tôi phải giảm tốc độ vì phía trước có nhiều xe chạy rất chậm. Tưởng là sắp tới trạm thu phí hoặc có sự cố giao thông nào đó, hóa ra là do ô tô đi trước dãy xe này chạy với tốc độ tối thiểu nhưng lại bám sát vỉa phân cách trên đường, khiến các xe phía sau không thể vượt, đành nối đuôi thành một đàn rùa bò trên cao tốc.

Làn sát giải phân cách đã vậy, làn bên cạnh cũng không khá hơn, nhiều xe cũng chỉ chạy ở tốc độ tối thiểu, dàn hàng ngang. Điều đáng nói là một trong những xe đi trước chở đất đá nhưng chằng buộc không kỹ, bụi bay ra gây giảm tầm nhìn, khiến tôi không dám tìm cách vượt sang bên phải, cố gắng giữ khoảng cách để được an toàn.

Một lúc sau, lo đến muộn đám cưới, tôi ra dấu xin vượt nhưng xe phía trước hoàn toàn phớt lờ. Tôi ngó qua gương chiếu hậu thấy đằng sau cũng có không ít xe nối đuôi. Gọi là cao tốc, cho phép chạy tới 100km/h nhưng tôi mất gần 40 phút cho đoạn đường chỉ hơn 30km, không những bực mình vì đến muộn mà còn phải chịu cảm giác ức chế, khó chịu trong suốt hành trình.

Ở nhiều đường cao tốc khác cũng luôn xuất hiện những tài xế chạy chậm nhưng cứ nghênh ngang chiếm giữ làn trái, dứt khoát không cho người khác vượt. Cách chạy xe của họ giống như một lời thách thức "tớ thích chạy chậm thì các cậu cũng đừng hòng đi nhanh". Thường gặp nhất là xe tải, xe container, họ giữ làn trái để hạn chế những va chạm không mong muốn, đỡ phải quan sát cả hai bên và giữ được sự ổn định. Xe khác muốn đi nhanh phải vượt ở làn phải, kém an toàn hơn.

Nhiều tài xế hay chạy xe kiểu này cãi rằng họ vẫn đi đúng tốc độ tối thiểu, "không phạm luật là được", thật là vừa ích kỷ vừa ngang ngược. Thậm chí gọi họ là những Chí Phèo trên cao tốc cũng không ngoa với cái kiểu "tôi biết các người bị trì hoãn công việc, biết các người khó chịu bức bối nhưng tôi thích thế đấy, làm gì được tôi".

Xe tải thường chạy chậm nhưng cũng là phương tiện hay bám làn trái nhất. Ở nhiều nước, xe tải, xe container không được đi vào làn này hoặc chỉ được đi khi cần vượt. (Ảnh: Nguyễn Vương - Phan Cường)

Xe tải thường chạy chậm nhưng cũng là phương tiện hay bám làn trái nhất. Ở nhiều nước, xe tải, xe container không được đi vào làn này hoặc chỉ được đi khi cần vượt. (Ảnh: Nguyễn Vương - Phan Cường)

Khư khư giữ làn trái khi chạy với tốc độ tối thiểu, những tài xế đó không chỉ gây thiệt thòi cho những xe sau vì không thể đi nhanh dù đang trên cao tốc, gây chậm trễ hành trình mà còn làm tăng nguy cơ tai nạn khi những xe muốn vượt phải chuyển sang làn giữa. Tôi đã thấy nhiều lái xe sau khi sang làn giữa lại bị xe đi chậm ở làn đó ngăn trở, một lần nữa chuyển làn sang trái, gây nên tình trạng đánh võng; các xe đi phía sau nếu không giữ đúng khoảng cách an toàn thì tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Sự ức chế, bức bối mà những chiếc xe rùa bò bám làn trái gây ra có thể khiến những tài xế khác trở nên mất bình tĩnh và có những pha xử lý kém an toàn, đe dọa đến nhiều người khác trên đường. Vì vậy, tình trạng này cần phải chấm dứt không chỉ bằng việc kêu gọi tài xế nâng cao ý thức và văn hóa giao thông, mà còn phải ở việc thực hiện nghiêm các quy định về lái xe trên cao tốc cũng như sửa đổi những điểm chưa phù hợp.

Nhiều quốc gia trên thế giới quy định dành làn đường ngoài cùng bên trái cho xe chạy tốc độ cao hay chạy vượt xe khác. Thậm chí ở Mỹ, tài xế chỉ sử dụng làn đường này khi cần vượt. Tại Đức, ở đường cao tốc có 3 làn trở lên, các tài xế bị cấm lái xe liên tục ở làn trái và làn giữa, vốn được dành cho việc vượt xe khác. Điều này tạo ra một khoảng trống có sẵn nhằm tối ưu luồng giao thông, tránh ùn tắc và đảm bảo quyền được chạy với tốc độ cao trong giới hạn cho phép.

Nếu như tại Việt Nam, xe tải, xe container và thậm chí cả xe khách khư khư bám làn trái là "chuyện thường ngày ở huyện" thì ở nhiều nước phát triển, các loại xe tải trọng lớn không có chỗ ở đây. Tại Đức, xe tải có tổng trọng lượng hơn 3,5 tấn và các loại xe container không được phép sử dụng làn trái vì chúng quá nặng, không thể chạy nhanh và thành trở ngại của các xe phía sau khi phải giảm tốc độ theo. Mặt khác, điểm mù bên phải của xe tải lớn hơn nhiều so với bên trái nên khi xe khác vượt lên từ bên phải, nguy cơ tai nạn cũng cao hơn.

Các nhà làm luật của Việt Nam cũng nên nghiên cứu việc đưa ra những quy định tương tự, để giao thông trên cao tốc được thông suốt hơn, an toàn hơn.

Công Minh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xe-chay-rua-bo-bam-lan-trai-nhu-nhung-chi-pheo-tren-cao-toc-ar908736.html
Zalo