Xe các nước ASEAN vào Việt Nam bắt buộc phải mua bảo hiểm, nhận bồi thường có lo rắc rối?

Việt Nam chính thức kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (ACMI). Do đây là dự án đặc thù mang tính xuyên biên giới, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi chủ xe cơ giới dễ dàng mua bảo hiểm và khâu bồi thường nhanh chóng...

Hệ thống ACMI thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa giao thương thuận lợi, an toàn giữa các nước ASEAN.

Hệ thống ACMI thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa giao thương thuận lợi, an toàn giữa các nước ASEAN.

Ngày 15/11/2023, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (ACMI).

Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

VIỆT NAM KẾT NỐI THÀNH CÔNG VÀO HỆ THỐNG ACMI

Tại Việt Nam, việc kết nối vào hệ thống ACMI là một tiền đề quan trọng đối với các xe cơ giới quá cảnh trong việc thực hiện Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được Chính phủ ban hành ngày 06/9/2023.

Cụ thể, chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đây cũng là thông lệ chung ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi (cả về người và tài sản) cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho chủ xe cơ giới.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI khẳng định: "Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định rằng xe cơ giới của ASEAN quá cảnh vào Việt Nam cần tham gia bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, việc kết nối thành công này sẽ giúp thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN, trong đó có Việt Nam, một cách hiệu quả”.

Cũng theo ông Tuấn, các chứng từ bảo hiểm sẽ phải được mang theo trên xe (bản cứng hoặc bản điện tử) để cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia kiểm tra tại biên giới. Cơ quan có thẩm quyền như: bộ đội, biên phòng được giao nhiệm vụ có thể kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm khi nhập cảnh vào Việt Nam và dọc theo tuyến đường được chỉ định.

Sự kiện Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI cho thấy nỗ lực của nhiều cơ quan như: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt...

Sự kiện Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI cho thấy nỗ lực của nhiều cơ quan như: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt...

Hệ thống ACMI được sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN và là một hoạt động triển khai thực hiện Nghị định thư số 5 về chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN.

Với việc kết nối thành công vào hệ thống ACMI, Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong hoạt động này, cùng với Thái Lan là nước quản lý hệ thống ACMI và Singapore là đất nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Đồng thời, ACMI sẽ hướng tới kết nối với hệ thống thông quan điện tử hàng hóa quá cảnh ASEAN (ACTS) nhằm tạo cơ chế một cửa điện tử về thủ tục hàng hóa quá cảnh, thúc đẩy thực hiện Hiệp định khung ASEAN về thuận lợi hóa hàng hóa quá cảnh ASEAN (AFAFGIT).

Theo thông tin tại sự kiện, Nghị định thư số 5 về chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 8/4/2001 tại Kuala Lumpur yêu cầu xe cơ giới quá cảnh từ một nước thành viên phải bảo đảm có thẻ xanh (blue card).

Người sử dụng xe cơ giới có thể vào hệ thống CMI để đăng ký thẻ xanh (blue card), đây là bằng chứng chứng nhận xe cơ giới đã được cấp đơn bảo hiểm đáp ứng yêu cầu bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại các nước quá cảnh và nước đi đến cuối cùng trong khối ASEAN.

Cách đây 2 năm, lễ ký kết biên bản ghi ghớ về việc đưa hệ thống phần mềm ACMI sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN đã diễn ra nhằm thực hiện hóa các nội dung về AFAFGIT được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 08/4/2001 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

AFAFGIT yêu cầu mỗi nước thành viên thành lập Cơ quan quốc gia để thực hiện cấp đơn bảo hiểm, thẻ xanh và hỗ trợ giải quyết tai nạn như: điều tra, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật do xe sở hữu thẻ xanh gây ra trên lãnh thổ nước thành viên đó.

Cơ quan này ở Việt Nam có tên là Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (gọi tắt là VINABAI).

KHÔNG LO BỒI THƯỜNG CHẬM TRỄ

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thời gian qua, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cho biết việc bán bảo hiểm tại các cửa khẩu gặp khó khăn do thường cách xa trung tâm. Bên cạnh đó, việc ký kết hợp tác bán bảo hiểm giữa các quốc gia cũng vướng phải nhiều rào cản do quy định pháp luật của các nước khác nhau. "Do vậy, sáng kiến kết nối cổng bán hàng trực tuyến thông qua website bảo hiểm của ASEAN đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc này. Nhờ đó, khách hàng tại mỗi quốc gia có thể mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Việt Nam ngay tại nước mình trước khi nhập cảnh tại Việt Nam", ông Hưng nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABA, qua khảo sát với nhiều cơ quan như: cán bộ biên phòng, Bảo hiểm Bảo Việt... cho thấy nhận thức của chủ xe chưa cao. Công tác tuyên truyền về bảo hiểm này tại nhiều quốc gia như Lào, Campuchia cũng hạn chế, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, đầy đủ hơn để triển khai hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo VINABA, do bất đồng về ngôn ngữ nên đến đến nay mới chỉ có 3 quốc gia trong ASEAN kết nối thành công vào hệ thống ACMI.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đang làm khó người thụ hưởng trong nước thời gian qua do thủ tục rườm rà, nhiều công ty bảo hiểm gây khó. Vì vậy, việc bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới xuyên biên giới không tránh khỏi tâm lý ái ngại và lo lắng về công tác bồi thường chậm trễ.

Về vấn đề này, trả lời câu hỏi của VnEconomy về công tác bồi thường với xe cơ giới, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, khẳng định khi không may xảy ra sự cố, tai nạn, Bảo Việt sẽ giải quyết bồi thường theo đúng điều khoản, điều kiện, quy trình bồi thường các quy định trong Nghị định 67.

Cũng theo ông Hưng, các quy trình, bước bồi thường không khác quy trình giải quyết bồi thường hiện hành ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một dự án rất đặc thù nên Bảo Việt sẽ đẩy mạnh truyền thông, cũng như cung cấp thông tin và số hotline để chủ xe nắm được.

"Đồng thời, công ty sẽ bố trí một bộ phận trực tuyến để hỗ trợ chủ xe. Khi có sự cố, công ty sẽ cử giám định viên đến hiện trường và cố gắng giải quyết sớm nhất có thể, tạo thuận lợi trong quá trình bồi thường", lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, điều gây khó trong quá trình bồi thường là bất đồng về ngôn ngữ giữa các quốc gia khác như Lào, Thái Lan, Campuchia. Vì vậy, công ty sẽ bố trí phiên dịch viên để hỗ trợ giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời giữa các quốc gia.

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cũng khẳng định Nghị định 67 mới ban hành có nhiều điều khoản tương đối rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, về thời gian doanh nghiệp bảo hiểm khi nhận được thông báo sự cố, thời gian nào giám định, thời gian nào tạm ứng bồi thường, thời gian nào giải quyết bồi thường… Do đó, khách hàng nên nghiên cứu, phối hợp để đảm bảo quyền lợi của mình.

Đặc biệt, trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường, ngay cả trong các trường hợp chưa xác định vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm hay không.

Nghị định cũng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường thông qua việc cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây, chỉ yêu cầu thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, trong khi theo quy định cũ phải thu thập các tài liệu này trong mọi trường hợp.

VINABAI có các thành viên là các đại diện đến từ các cơ quan có liên quan khác như: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện tại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) làm Chủ tịch VINABAI.

Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam duy nhất được giao để triển khai Nghị định thư số 5, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN. Qua đó, Bảo hiểm Bảo Việt tích cực trao đổi, thống nhất về các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ để triển khai cấp thẻ xanh điện tử qua hệ thống ACMI.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xe-cac-nuoc-asean-vao-viet-nam-bat-buoc-phai-mua-bao-hiem-nhan-boi-thuong-co-lo-rac-roi.htm
Zalo