Xe buýt chưa nhanh vì chưa thực sự được ưu tiên
Đây là chia sẻ của được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vận hành buýt, metro đề xuất ở tọa đàm 'Cách nào để xe buýt, metro thêm hút khách?' diễn ra vào sáng nay 26/9.
Trợ giá không giúp rút ngắn thời gian đi lại
Theo ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho biết, tốc độ chuyến đi của xe buýt vẫn chậm, thời gian đi lại của hành khách kéo dài trong khu giờ cao điểm, chỉ đạt trung bình 12,7km/h.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng chia sẻ: Phát triển giao thông công cộng gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, giao thông công cộng phục vụ những người không có phương tiện đi lại. Giai đoạn thứ 2 là phương tiện giao thông công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3, phương tiện vận tải công cộng là sự lựa chọn yêu thích của người dân.
"Hiện tại, xe buýt Hà Nội đang đứng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đang cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích. Với đường sắt đô thị, do đặc điểm tự nhiên vốn có, hiện đã ở giai đoạn 2 đó là cạnh tranh cả về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi, giá cả", ông Trường nhìn nhận.
Cũng như vậy, ông Phan Lê Bình - Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản tại Hà Nội nói: Thành phố đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại.
"Chúng ta chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như tuyến BRT. Rất nhiều khẩu hiệu ưu tiên giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân được đưa ra nhưng nếu không có thêm những chính sách, những hành động khác ưu tiên cho xe buýt ngoài trợ giá thì rất khó để đạt được mục tiêu", ông Bình bày tỏ.
Cần vận động cán bộ, công chức đi metro, xe buýt nhiều hơn
Một thông tin đáng chú ý, theo ông Phan Lê Bình là việc có đến 60-70% khách dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc "không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm, vì người về hưu ít ra đường giờ cao điểm". Do đó, ông Bình khẳng định bài toán đặt ra là phải làm sao để tăng người sử dụng trong giờ cao điểm.
"Chính quyền thành phố cần có những phong trào để cán bộ công chức đi làm. Trước mắt, có thể vận động mỗi người đi xe buýt ít nhất một ngày trong tuần. Việc này sẽ giúp tăng cường tỷ lệ dùng xe buýt", ông Bình nói.
Ngoài ra, theo ông Bình, để xe buýt hấp dẫn hơn, ngoài việc ưu tiên hơn cho xe buýt, metro, cần có phương án "tạo khó khăn" thêm cho các phương tiện cá nhân", ông Bình nói và gợi ý việc tạo rào cản với phương tiện cá nhân bằng cách hạn chế chỗ đỗ xe, và kiểm tra xử lý nghiêm ngặt, đảm bảo chỉ những nơi được quy định chính quy mới được đỗ.
"Tôi nghĩ đó là cứu cánh cho giao thông thành phố. Nếu không có chỗ đỗ, họ sẽ dùng phương tiện công cộng. Đồng thời, cần tăng cường xử phạt xe máy, ô tô đỗ không đúng nơi quy định", ông Bình nói và dẫn ví dụ Nhật Bản cũng có tỷ lệ đi phương tiện công cộng lớn do việc đi lại các phương tiện cá nhân rất đắt đỏ.