Xây nhà máy vaccine 2.000 tỷ đồng, VNVC đang kinh doanh thế nào?

VNVC đang là đơn vị sở hữu thị phần lớn nhất trên thị trường trung tâm tiêm chủng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vị thế này đang bị đe dọa bởi tân binh Long Châu của FPT Retail.

Ngày 15/1, CTCP Vacxin Việt Nam (VNVC) ký hợp đồng thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC với tập đoàn Rieckermann (Đức).

Nhà máy đặt tại KCN Phú An Thạnh, Bến Lức, Đồng Nai với tổng diện tích hơn 26.000 m2. Tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành sau 8 tháng thi công. Bước đầu hợp tác với các hãng dược trên thế giới tiến tới chuyển giao công nghệ để sản xuất độc lập.

Bên ngoài một trung tâm tiêm chủng của VNVC. (Ảnh: VNVC).

Bên ngoài một trung tâm tiêm chủng của VNVC. (Ảnh: VNVC).

VNVC là đơn vị vận hành hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - một trong những chuỗi tiêm chủng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Công ty được thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) góp 30% vốn, Nguyễn Thị Xuân (Hải Dương) góp 30% và ông Ngô Chí Dũng (Hà Nội) nắm 40% vốn điều lệ công ty.

VNVC đặt trụ sở tại quận Đống Đa, TP Hà Nội có lĩnh vực kinh doanh chính theo đăng ký là y tế dự phòng: tiêm chủng.

Ông Ngô Chí Dung (1974) là Đại diện pháp luật. Ông Dũng hiện đang giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNVC. Ngoài VNVC, ông Dũng hiện là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành y tế như: CTCP Dinh dưỡng Nutrihome, CTCP Dược phẩm Eco, CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, CTCP Sản xuất vắc xin và sinh phẩm VNVC.

Hiện vốn điều lệ của VNVC là 140 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn góp của các pháp nhân không được công bố.

Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2017. Tính đến thời điểm 17/9/2024, VNVC là chuỗi tiêm chủng có nhiều cơ sở nhất tại Việt Nam với 194 trung tâm tại 55/63 tỉnh thành trải dài khắp ba miền.

Các Trung tâm tiêm chủng của VNVC thường đặt tại các trung tâm thương mại, chung cư, nơi có diện tích sàn lớn và đông đúc cư dân hoặc người lui tới.

Nhà phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính doanh thu VNVC năm 2023 đạt 9.177 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% thị phần tiêm chủng Việt Nam.

Lợi thế của VNVC là mối quan hệ với các đối tác chiến lược là các hãng vaccine lớn trên thế giới như GlaxoSmithKline (Bỉ), Sanofi Pasteur (Pháp), Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ),... Nhờ vậy, VNVC có thể đàm phán trực tiếp, độc lập nhập khẩu chính hãng vaccine số lượng lớn, hoặc các loại vaccine khan hiếm.

Một lợi thế khác của VNVC là nằm trong hệ sinh thái bao gồm bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Eco Pharma (chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt ba chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP). Các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái có thể cung cấp dịch vụ chéo, mang lại tiện ích cho khách hàng.

Đơn vị này cũng sở hữu hệ thống kho lạnh tổng tại cả ba miền cùng hàng trăm kho lạnh đạt chuẩn GSP tại mỗi trung tâm, có khả năng lưu trữ hơn 400 triệu liều vaccine cùng một thời điểm, trong điều kiện nhiệt độ 2 – 8 độ C.

Năm ngoái, VNVC khai trương gần 60 trung tâm mới, nâng tổng số lên hơn 210 trung tâm tiêm chủng tại hơn 55 tỉnh, thành. Hệ thống này cũng tuyển dụng mới hơn 1.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, nâng tổng số nhân sự lên đến hơn 10.000 người, trong đó có hơn 3.000 bác sĩ, gần 4.000 điều dưỡng và hơn 3.000 nhân viên y tế.

Theo báo cáo của VDSC, VNVC gần như là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống tiêm chủng tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, vị thế này đang bị đe dọa bởi Long Châu - thành viên thuộc FPT Retail.

Long Châu bắt đầu mở trung tâm tiêm chủng đầu tiên vào tháng 7/2023 với hai cơ sở. Đến tháng 9/2024, Long Châu đã có 110 trung tâm. Trung bình, Long Châu mở khoảng 8 trung tâm mới mỗi tháng.

Chuỗi này khai thác lợi thế của hơn 1.700 cửa hàng bán lẻ dược phẩm Long Châu hiện hữu cùng tên ở các khía cạnh: độ nhận diện thương hiệu phổ biến, tệp khách hàng hơn 16 triệu khách (số liệu cuối 2023), cũng như chia sẻ cơ sở vật chất có sẵn.

Một đối thủ khác của VNVC là Nhi đồng 315. Tuy nhiên, trong cuộc đua tiêm chủng, cái tên này dường như đang bị bỏ lại phía sau khi dù ra đời trước Long Châu, số lượng trung tâm tiêm chủng của Nhi đồng 315 đến nay vẫn rất khiêm tốn, chỉ hiện hữu đa phần ở TP HCM (57 cơ sở) và Bình Dương (3 cơ sở).

Báo cáo của VDSC cho biết doanh thu thị trường vaccine tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,1%/năm trong giai đoạn 2014 - 2023, ước đạt 20.010 tỷ vào năm 2023.

Trong giai đoạn 2024-2030, dự phóng thị trường vaccine tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,9%/năm, đạt 31.964 tỷ vào năm 2030, được thúc đẩy chủ yếu bởi thu nhập khả dụng tiếp tục tăng trưởng và người dân tiếp tục duy trì mức độ quan tâm tới sức khỏe và phòng bệnh.

Đức Huy

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xay-nha-may-vaccine-2000-ty-dong-vnvc-dang-kinh-doanh-the-nao.html
Zalo