Xây dựng ý thức và văn hóa giao thông

LTS: Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, ý thức tham gia giao thông của mỗi người cần luôn được tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao để thực sự có trách nhiệm với bản thân và với người tham gia giao thông khác. Sau các vụ đánh người do va quẹt trên đường xảy ra gần đây, Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc về xây dựng ý thức và văn hóa giao thông, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân và mọi người...

Ông NGUYỄN ĐƯỚC - Quận 5, TPHCM:

Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

Người dân thật sự hoan nghênh và cảm thấy “nhẹ lòng” khi cơ quan chức năng quận 4, TPHCM đã nhanh chóng bắt khẩn cấp người đàn ông đánh tới tấp một cô gái do va chạm giao thông xảy ra mới đây, hay Công an quận 1 đã bắt tài xế đánh người trước cổng Bệnh viện Từ Dũ chỉ vì lời nhắc người này đã đậu xe choán chỗ.

Thời gian qua, hầu hết các vụ va chạm giao thông dẫn đến đánh nhau xảy ra trên đường, giữa chốn công cộng nhưng người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa có tác dụng răn đe, nêu gương.

Cần nâng cao trách nhiệm, ý thức, cách hành xử có văn hóa, giúp đỡ nhau khi không may xảy ra va chạm, tai nạn giao thông; bởi đó là hành động văn minh khi tham gia giao thông. Bất cứ một hành vi tấn công nào đối với người khác khi xảy ra va chạm khi tham gia giao thông, nhất là đối với phụ nữ, người già, trẻ em, thì cho dù mức độ thương tích chưa tới 11% theo quy định của Bộ luật Hình sự cũng vẫn cần xử lý nghiêm.

 Xe ba gác chở hàng quá khổ tại giao lộ Cao Thắng - Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xe ba gác chở hàng quá khổ tại giao lộ Cao Thắng - Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông NGUYỄN VĂN TÙNG - Quận Bình Thạnh, TPHCM:

Nhường nhịn để làm gương cho con cháu

Thực tế, tôi cũng vài lần bị va chạm khi tham gia giao thông, nhưng tôi đã kịp thời tỉnh táo để giải quyết. Nếu mình sai thì mình xin lỗi, còn ngược lại thì có thể “rầy rà”, phê bình người vi phạm một chút. Để giải quyết vấn đề va chạm giao thông, theo tôi, mọi người cần có tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành tốt quy định pháp luật về giao thông, nhất là khi mình chở con cháu đi học, thường nói điều hay lẽ phải nhưng lại hành xử khác đi khi gặp tình huống trên đường.

Lưu thông vào giờ khung giờ cao điểm thì càng cần chấp hành tốt văn hóa giao thông hơn nữa. Nếu chẳng may có va chạm thì nên xử sự một cách văn minh, không “lời qua, tiếng lại”, dễ dẫn đến nguy cơ xúc phạm nhau rồi xảy ra ẩu đả, gây mất an ninh, trật tự.

 Người dân can ngăn vụ đánh người khi được nhắc nhở về việc đậu xe trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH

Người dân can ngăn vụ đánh người khi được nhắc nhở về việc đậu xe trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH

Ông LÊ ĐỨC THỌ - Nguyên cán bộ Trường Đại học Luật TPHCM:

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng người đi đường chỉ vì một va chạm, mâu thuẫn nhỏ nhưng thiếu kiềm chế đã dẫn đến hành hung, án mạng. Nạn côn đồ không những gây mất an ninh trật tự mà còn là nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi ra đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn côn đồ, trong đó có nguyên nhân biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nhưng biện pháp chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ.

Để ngăn chặn nạn côn đồ khi tham gia giao thông, pháp luật cần quy định không chỉ xử lý hình sự đối với hành vi gây thương tích mà còn xử nghiêm đối với hành vi làm nhục, xâm phạm thân thể người khác. Chỉ có biện pháp xử lý hình sự đối với những đối tượng xem thường pháp luật, sức khỏe, tính mạng người khác mới đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn côn đồ khi tham gia giao thông.

Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY - Quận Gò Vấp, TPHCM:

Tỉnh táo để không xung đột

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, nhất là tuyến đường có trường học hay địa điểm tham quan, du lịch, vào giờ cao điểm, ô tô, xe vận tải hành khách đậu hàng dài, lấn chiếm phần đường của xe gắn máy. Những thời điểm như vậy, xe gắn máy chỉ còn cách luồn lách trên phần đường ô tô. Đó là chưa kể ở các tuyến đường nhỏ, chỉ cần một số ô tô dừng đậu trên đường sẽ khiến cho các xe gắn máy không thể lưu thông. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì rất dễ xảy ra xung đột khi tham gia giao thông.

Không ít lần đi xe du lịch, đi tour, đi các tỉnh… bằng ô tô, chúng tôi đã chứng kiến sự cương quyết của tài xế. Nhiều hành khách muốn tài xế dừng xe ở khu vực gần nhà mình, nhưng tài xế rất bản lĩnh trong việc vận động, thuyết phục hành khách dừng xe ở vị trí khác. Bởi lẽ, khu vực đó cấm dừng, cấm đậu; đường nhỏ hay không có bảng cho phép dừng xe. Chiều khách là một lẽ, nhưng không vì thế mà không chấp hành tốt quy định pháp luật về giao thông.

9 tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ

1. Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;

2. Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh;

3. Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông;

4. Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;

5. Đi đúng làn đường, phần đường quy định;

6. Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép;

7. Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự

an toàn giao thông;

8. Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn;

9. Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

Theo Quyết định 3500/QĐ-BVHTTDL năm 2013 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

NHÓM PV ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-y-thuc-va-van-hoa-giao-thong-post773574.html
Zalo