Xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Một trong những vấn đề trọng tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để tạo dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng đến với người tiêu dùng là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành các hợp tác xã đủ mạnh, đồng thời chuẩn hóa các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thúc đẩy liên kết, biến những mảnh ruộng nhỏ thành lớn

Để mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng đến với người tiêu dùng, kể cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, trong thời gian qua Bộ cùng với Bộ Công thương đã liên tục làm việc để có được các nghị định thư giúp tiêu thụ nông sản ở nước ngoài.

Việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bởi không thể nói đến tiêu thụ, thị trường khi hàng hóa không đạt chuẩn. Theo đó, việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm triển khai - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói.

“Chúng ta cần xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành các hợp tác xã đủ mạnh. Vừa qua tại Hà Nam, toàn tỉnh có khoảng trên 14.000 ha lúa bị ngập, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Thanh Liêm và Bình Lục. Trong đó, diện tích lúa bị ngập trắng là hơn 5.500 ha, diện tích lúa bị ngập sâu trong nước hơn 5.800 ha; còn lại bị ngập phất phơ. Điều này cho thấy rõ hơn tính manh mún của nền nông nghiệp”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ thêm.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trước khi nói đến các chính sách về hỗ trợ tiêu thụ, cần quan tâm đến các chính sách thúc đẩy liên kết, biến những mảnh ruộng nhỏ thành những mảnh ruộng lớn, những khu vườn nhỏ thành những khu vườn lớn. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ để có chính sách phù hợp, khi đã có chính sách thì địa phương cần hành động quyết liệt, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể bao trùm được hết các vai trò liên kết, cơ cấu lại vùng trồng, cơ cấu lại ngành sản xuất của từng địa phương theo từng loại sản phẩm có thế mạnh.

Đồng thời, cũng cần quan tâm phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, cả nước có khoảng 13.000 sản phẩm OCOP, đây là một kênh để tiêu thụ các sản phẩm đã chế biến, giúp tăng giá trị cho nông sản của địa phương theo từng cấp độ. Nếu giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta vừa có thể giải quyết được áp lực thị trường, vừa tạo thêm được sinh kế từ việc làm cho bà con nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng chính là việc mà bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực thực hiện để hình thành vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực tế, tại một số tỉnh phía Nam, ngoài việc nông hộ tham gia hợp tác xã đã trở nên phổ biến, các hợp tác xã cũng tích cực liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ trái cây. Thậm chí, có những hợp tác xã tự tìm đơn hàng xuất khẩu trực tiếp. Yêu cầu đặt ra là việc liên kết phải giữ được chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thâm canh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi do chưa đủ độ tin cậy nên khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu. Điều này có thể dẫn chứng ở mùa sầu riêng 2024, thị trường Đồng bằng sông BSCL chứng kiến tình trạng “tranh mua – tranh bán”, thương lái thu mua trái non, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó mang đi tiêu thụ. Nhà vườn chạy theo lợi nhuận, tranh thủ lúc hàng khan hiếm, ép vựa mua trái non. Kết quả là nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do kém chất lượng. Ngoài ra, trong quá trình mua bán, gian thương xuất hiện làm nhiễu loạn thị thường bằng cách tự đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với nông dân. Khi đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20 đến 30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ vườn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ lồng ghép vào những cụm văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế những tình trạng vi phạm trong thời gian tới. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất với những cách làm ăn đàng hoàng chân chính, bảo đảm lợi ích được chia sẻ giữa người dân và doanh nghiệp. Khi lợi ích hài hòa sự liên kết mới chắc chắn hơn, không như hiện nay chưa có những chế tài cụ thể để xử lý.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn các địa phương, khâu then chốt trong việc duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu vẫn là nông dân. Nông dân không nên phá bỏ các cây trồng khác để mở rộng thêm diện tích các loại cây “nóng” theo xu thế thị trường mà nên tập trung đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng trái. Bên cạnh đó, địa phương phải giải quyết được đầu ra nông sản cho nông dân. Nhiều năm qua, câu chuyện ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu, được mất mùa được giá, trồng rồi chặt… vẫn chưa bao giờ nguội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững của nhiều ngành hàng. Quy hoạch vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo tín hiệu thị trường là việc cần làm sớm để tạo dựng con đường nông sản chính ngạch.

Tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, mở cửa thị trường chất lượng cao cho nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022 - 2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024 - 2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.

Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong giai đoạn 1 triển khai “Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và hợp tá xã như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã. Từ 132 lớp đào tạo tập huấn và 26 tổ khuyến nông cộng đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, đến nay các địa phương đã bố trí được 400 lớp đào tạo và 149 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng về lúa gạo, với mục tiêu 50.000ha, sau 1 năm đã có 6.000ha đạt tiêu chuẩn vào thị trường cao cấp…

Giới chuyên gia nhận định, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản; đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Để xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng với đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng”, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - GS, TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Hoàng Hà

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/xay-dung-vung-nguyen-lieu-dat-tieu-chuan-an-toan-thuc-pham-d53555.html
Zalo