Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc hình thành và phát triển văn hóa tuân thủ pháp luật trở thành nền tảng tinh thần cốt lõi. Đây cũng là nội dung trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và được bàn luận tại Hội thảo 'Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết số 66-NQ/TW' do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.
Từ khái niệm mới đến yêu cầu thể chế hóa
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, việc thể chế hóa và lan tỏa tinh thần tuân thủ không chỉ là kỹ thuật quản lý mà là quá trình vun đắp giá trị xã hội mới, nơi mà mỗi người dân không chỉ biết pháp luật, mà còn sống cùng và hành động theo pháp luật một cách tự nguyện, trách nhiệm và có văn hóa.
TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh, "văn hóa tuân thủ pháp luật" đã được đưa vào Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây không chỉ là khái niệm lý luận mới mà còn là yêu cầu chính trị, pháp lý cần được thể chế hóa thành hành động cụ thể.
Cũng theo TS. Lê Vệ Quốc, thời điểm hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách về việc "giải mã và kiến tạo" các giá trị cốt lõi của văn hóa tuân thủ, để từ đó hình thành nên những chính sách và hành vi có sức lan tỏa trong xã hội. Việc đưa văn hóa tuân thủ pháp luật vào chương trình công tác của hệ thống chính trị và chính quyền các cấp sẽ là bước chuyển quan trọng, góp phần thúc đẩy lòng tin của người dân vào pháp luật và thể chế.

Lực lượng công an tuyên truyền pháp luật cho học sinh tiểu học. Ảnh: Nga Nguyễn
Không ít ý kiến cho rằng, cách tiếp cận khái niệm "văn hóa tuân thủ pháp luật" không nên bị giới hạn ở nghĩa hẹp; tức chỉ tránh vi phạm pháp luật. Thay vào đó, GS. TS. Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích, tuân thủ pháp luật cần được hiểu là giữ đúng và làm đúng theo quy định pháp luật, là thái độ tích cực, tự giác và trách nhiệm của mỗi công dân.
Mặt khác, "văn hóa" là sự bồi đắp tinh thần, giáo dục đạo đức, hướng con người tới giá trị chân - thiện - mỹ. Kết hợp hai khái niệm này, có thể định nghĩa văn hóa tuân thủ pháp luật là "tổng hòa các giá trị, chuẩn mực, kỹ năng, kinh nghiệm phản ánh nhận thức, niềm tin và hành vi của chủ thể pháp luật phù hợp với Hiến pháp và pháp luật".
Theo các chuyên gia, hành vi tuân thủ không chỉ là kết quả của chế tài mà là sự lựa chọn hành động đúng đắn trên cơ sở nhận thức - đạo đức - trách nhiệm. Việc đặt "văn hóa" làm nền tảng cho "tuân thủ" là một bước tiến quan trọng, phản ánh chiều sâu triết lý của Nhà nước pháp quyền hiện đại.
Xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa tuân thủ pháp luật
Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là nội dung của giáo dục pháp luật, mà phải trở thành một phần của hành vi xã hội, được phản ánh trong ứng xử thường nhật của mọi tầng lớp nhân dân - từ cán bộ, công chức đến doanh nhân, học sinh, người lao động.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể được Bộ Tư pháp xác định là xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa tuân thủ pháp luật trên cơ sở đánh giá thử nghiệm ở các nhóm đối tượng cụ thể. Bộ tiêu chí này sẽ được phổ biến, lồng ghép vào các chương trình chuyên môn và chính sách công của từng bộ, ngành.

Phiên tòa giả định tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Ảnh: Anh Quân
Đây là bước tiến quan trọng, bởi việc lượng hóa văn hóa tuân thủ sẽ giúp chuyển hóa khái niệm trừu tượng thành công cụ quản trị, góp phần đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật, tương tự như các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh), PAPI (hiệu quả quản trị) hay SIPAS (sự hài lòng của người dân).
GS. TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công đã chỉ ra những "nút thắt" về thể chế cản trở quá trình tuân thủ pháp luật. Đó là tư duy lập pháp nặng về quản lý hơn phục vụ; tổ chức thi hành thiếu đồng bộ; chất lượng luật chưa theo kịp thực tiễn.
Nghị quyết số 66-NQ/TW ra đời đúng thời điểm, góp phần "cởi trói" bằng cách thúc đẩy cải cách lập pháp - chuyển từ tư duy kiểm soát sang khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực. Chỉ khi pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ tuân thủ thì văn hóa tuân thủ mới có thể hình thành bền vững.

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông qua phiên tòa giả định. Ảnh: Anh Quân
Một điểm then chốt được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là muốn có văn hóa tuân thủ, cần có tri thức pháp luật và tri thức này cần được phổ cập sớm. Không thể chỉ dạy pháp luật ở các trường đại học luật hay đào tạo công chức, mà cần tích hợp vào chương trình phổ thông, dạy kỹ năng sống gắn với pháp luật, khuyến khích học sinh nhận thức sớm về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Bởi lẽ, giáo dục pháp luật không chỉ là trách nhiệm của ngành tư pháp, mà còn là nhiệm vụ liên ngành: giáo dục, truyền thông, nội vụ, đoàn thể… cùng vào cuộc để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.