Nhật Bản: Miễn học phí trường tư thục gây lo ngại về 'cuộc di cư' khỏi trường công
Quyết định của Nhật Bản về việc miễn học phí trung học phổ thông, bao gồm cả các trường tư thục, đang làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc từ các nhà giáo dục và chuyên gia chính sách. Họ cảnh báo rằng chính sách này có thể thúc đẩy một 'cuộc di cư' lớn từ các trường công lập sang trường tư, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục.

Học sinh tại trường Trung học Tottori Koryo ở Tottori, miền tây Nhật Bản. Ảnh tư liệu - minh họa: Kyodo/ TTXVN
Chính sách này được cho là nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình giữa bối cảnh lạm phát. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại chính sách này có nguy cơ làm suy yếu vai trò "mạng lưới an toàn" mà các trường trung học công lập từ lâu đã cung cấp cho học sinh với nhiều nhu cầu đa dạng.
Theo các chuyên gia, Chính phủ đã không có giải pháp đi kèm biện pháp miễn học phí nhằm hỗ trợ đầy đủ cho các trường công lập đang gặp khó khăn. Nhiều trường trong số đó đang đối mặt với tình trạng giảm số lượng tuyển sinh và thiếu hụt ngân sách.
Chính sách miễn học phí của Nhật Bản được đẩy nhanh vào cuối năm ngoái khi liên minh cầm quyền thiểu số của đảng Dân chủ Tự do và đảng Đổi mới Nhật Bản đối lập đạt được thỏa thuận chính trị. Theo đó, từ năm học 2026, Chính phủ Nhật Bản sẽ loại bỏ quy định về giới hạn thu nhập để hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con theo học trường trung học tư thục. Mức trợ cấp tối đa sẽ được nâng lên khoảng 457.000 yen (tương đương 3.150 USD), gần bằng mức học phí trung bình hiện tại. Đối với các trường công lập, mức giới hạn này đã được gỡ bỏ từ tài khóa 2025.
Hiện tại, các gia đình có thu nhập dưới 9,1 triệu yen/năm nhận được 118.800 yen hỗ trợ học phí cho cả trường công lập và tư thục. Riêng đối với trường tư thục, những gia đình có thu nhập dưới 5,9 triệu yen có thể nhận được mức hỗ trợ lên tới 396.000 yen.
Các tỉnh như Osaka và Tokyo, nơi đã triển khai chương trình giáo dục trung học miễn phí, đều đã ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể khỏi các trường trung học công lập.
Ông Hideyuki Konyuba, giáo sư chính sách giáo dục tại Đại học Teikyo, nhận định rằng chính sách này "gây áp lực" lên các trường công lập để thu hút thêm học sinh, nhưng lại thiếu kinh phí hoặc giáo viên bổ sung, khiến họ không thể cạnh tranh với các trường tư thục. Ông nhấn mạnh nhà nước cần cung cấp nguồn lực – tài chính và giáo viên – cho các cơ sở công lập, đồng thời phải xây dựng một tầm nhìn rõ ràng cho hệ thống trung học phổ thông của Nhật Bản, nơi gần 99% học sinh trung học cơ sở tiếp tục theo học.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc tranh luận của các nhà hoạch định chính sách chỉ tập trung vào việc giải quyết gánh nặng tài chính hộ gia đình, với rất ít thảo luận về việc trợ cấp học phí có thể ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ hệ thống giáo dục, bao gồm cả vai trò của các trường công lập như một mạng lưới an toàn cho xã hội.