Xây dựng văn hóa liêm chính: Bước đột phá trong giai đoạn mới
'Xây dựng Đảng về đạo đức cụ thể hơn là xây dựng văn hóa liêm chính, chúng ta phải nhìn nhận, đó là vấn đề xuất phát từ bản chất của một Đảng cách mạng' - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị.
“Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” được ban hành vừa thể hiện tính tất yếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp bách là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời cũng xuất phát từ thực tiễn khi yêu cầu kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực... đang đặt ra rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay” - GS.TS Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị.
Quy định mang tính tất yếu
Xây dựng Đảng về đạo đức, kiến tạo văn hóa liêm chính đang được thực thi với nhiều giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến các cấp ủy Đảng, qua nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về vấn đề này và những kết quả đã đạt được trong thời gian qua?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trước hết, nói đến xây dựng Đảng về đạo đức và cụ thể hơn là xây dựng văn hóa liêm chính, chúng ta phải nhìn nhận, đó là vấn đề xuất phát từ bản chất của một Đảng cách mạng. Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đại diện cho lợi ích của các giai cấp và toàn thể dân tộc Việt Nam. Khi Đảng là đội tiên phong, các thành viên của Đảng phải trở thành người tin cậy, xứng đáng về đạo đức, liêm chính, lấy lợi ích của dân là mục tiêu phấn đấu, lấy hạnh phúc của dân là mục tiêu tối thượng trong hoạt động của mình. Bởi nói cho cùng sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh niềm tin của dân; nếu muốn dân tin thì cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu về đạo đức, liêm chính.
Trên thực tế, không phải bây giờ vấn đề đạo đức và liêm chính của cán bộ, đảng viên mới được nói đến, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến đảng viên là gì. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Bác đã chỉ rõ, đảng viên phải là những người gương mẫu, có tài năng, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng. Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và ghi trên trang đầu cuốn Sổ Vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) lời dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Tức là Bác đã chỉ ra rằng, người cán bộ, đảng viên muốn lãnh đạo, chỉ đạo được Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cách mạng phải là người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Điều này Bác cũng giải thích rất rõ trong nhiều tác phẩm, điển hình như cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947) đã nói rất kỹ những vấn đề liên quan đến lãnh đạo, quản lý, đến tư cách, tác phong của cán bộ, đảng viên, đến những yêu cầu cấp thiết của Đảng, công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Đảng với dân...
Nhân dịp Đảng ta 39 tuổi, ngày 3/2/1969, Người đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bởi theo Bác phải, quét sạch được chủ nghĩa cá nhân rồi mới nâng cao đạo đức cách mạng. Khi cán bộ mà sa vào chủ nghĩa cá nhân, sẽ không thể tạo được niềm tin trong dân, không thể lãnh đạo được Nhân dân.
Trên tinh thần đó, trong 94 năm qua, Đảng ta luôn luôn nhất quán và thực hiện quan điểm "đạo đức là gốc" của cán bộ, đảng viên, đã có rất nhiều văn bản, nghị quyết cụ thể hóa quan điểm này, thực hiện trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Đặc biệt, Đảng tiếp tục chú trọng xử lý các cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, thể hiện rõ ở công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ và thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.
Những người thoái hóa, biến chất, bất kể ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, kể cả sai phạm đã xảy ra từ lâu, bất kể ngành nghề công tác hay trình độ học vấn… cứ đi ngược lại lời thề trước Đảng, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, lợi ích của dân tộc, lo vun vén cho bản thân và nhóm lợi ích, làm thất thoát tiền của Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật… đều bị xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Điều này đã thể hiện sự quyết liệt trong hành động của Đảng để củng cố niềm tin của dân với Đảng, tạo sức mạnh cho Đảng.
Vậy với Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 9/5/2024 về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” được ban hành và thực hiện, chính là một bước đột phá mới trong xây dựng Đảng về đạo đức, kiến tạo văn hóa liêm chính, thưa ông?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Theo tôi, việc ra đời Quy định 144-QĐ/TW trước hết thể hiện một yêu cầu có tính chất thường xuyên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi về đạo đức, tác phong, nâng cao nhận thức, kiến tạo văn hóa liêm chính. Đồng thời, đó cũng là yêu cầu bức thiết xuất phát từ thực tiễn. Bởi mỗi giai đoạn vận động của cách mạng, có những điều kiện thực tiễn khác nhau, yêu cầu khác nhau, kể cả những thay đổi về thang giá trị xã hội. Hiện chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự giàu có về của cải một mặt là yếu tố tích cực để cải thiện đời sống Nhân dân, mang lại tiềm lực to lớn hơn cho đất nước, nhưng mặt khác cũng ẩn chứa những thách thức, xuất hiện những cơ hội, điều kiện để người ta có thể thu vén cá nhân bằng nhiều cách khác nhau.
Trong điều kiện đó sẽ xuất hiện nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Một vài nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đảng đã nhận định, tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp hơn. Từ đó, dẫn tới một loạt cán bộ sa vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó càng đòi hỏi nhu cầu bức thiết là phải có thêm các giải pháp để bảo đảm chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, để giữ vững và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Như tôi đã nói, sự ra đời của Quy định 144-QĐ/TW vừa thể hiện tính tất yếu của quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời cũng tiếp nối những quy định trước đó liên quan đến vấn đề đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cũng không phải đến bây giờ Đảng ta mới đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên mà vấn đề này đã được đề cập, chỉ rõ và yêu cầu người cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực hiện từ rất sớm, trong nhiều văn bản.
Hiện chúng ta đang bước sang những giai đoạn phát triển mới của đất nước, đặt ra những yêu cầu mới, trên cơ sở kế thừa những nội dung trong các quy định, kết luận đã có, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quy định chuyên đề về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Đúng như tên gọi, đây là “Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” nên nội hàm của các điều trong Quy định vừa có sự kế thừa, chắt lọc; đồng thời, cũng có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Nội dung của các điều trong Quy định rất rõ ràng, vừa có sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và những quy định trước đó của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và về công tác cán bộ của Đảng nói riêng; song cũng xuất phát từ nhu cầu cấp bách của thực tiễn. Theo tôi, đây là Quy định rất quan trọng để tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trở thành những tấm gương về lối sống, về đạo đức, về cách hành xử trong công việc, trong quan hệ với người dân.
Toàn diện và kiên trì trong thực hiện
Như nhiều ý kiến đã nhận định, cái gốc và quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm và tự giác của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện. Thực tế cũng đã có nhiều tấm gương đạo đức tự tu dưỡng, thể hiện rõ tinh thần “ngọc càng mài càng sáng”, tạo nên niềm tin trong Nhân dân. Vậy theo ông, để Quy định 144-QĐ/TW phát huy hiệu quả, có những vấn đề gì cần lưu ý trong triển khai?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Để thực hiện tốt các quy định của Đảng nói chung, đặc biệt là những quy định về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên như Quy định 144-QĐ/TW, nên triển khai các giải pháp có tính hệ thống, toàn diện và thật kiên trì. Trong đó, có cả những biện pháp giáo dục, đồng thời cũng phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, răn đe, đặc biệt nên có biện pháp ngăn chặn, đề phòng tiêu cực xảy ra, để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên không thể, không dám, không muốn và không cần có hành vi sai trái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Theo tôi, trước hết từng cấp ủy, đơn vị phải cụ thể hóa 5 điều trong Quy định thành những nội dung chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị; sát thực với công việc, nhiệm vụ, mối quan hệ… của từng vị trí, để mỗi cán bộ, đảng viên có thể soi chiếu, nắm rõ được việc mình cần tu dưỡng, cần thực hiện. Tiếp nữa nên có thêm cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên; kịp thời, phát hiện, nhắc nhở, răn đe những vi phạm từ lúc mới có dấu hiệu phát sinh.
Giải pháp nữa có vai trò rất quan trọng, đó là sự gương mẫu của người đứng đầu, thiết lập một kỷ cương chặt chẽ trong đơn vị; có biện pháp để tham vấn, kiểm tra, lắng nghe ý kiến mọi người, kịp thời phát hiện ra vấn đề phát sinh; tập hợp được thông tin qua hệ thống giám sát chính thức và không chính thức. Nhưng trên hết, bản thân người đứng đầu phải đặc biệt nêu gương, như điều 5 của Quy định 144-QĐ/TW đã nêu về “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”. Cùng với đó, phải khơi dậy được sự tham gia giám sát, kiểm tra của người dân một cách rất rộng rãi, thực chất, khách quan.
Theo tôi, về lâu dài, vấn đề giáo dục rất quan trọng, để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được gương mẫu, liêm chính như bản chất, nhu cầu sống của mỗi người, đó chính là văn hóa lối sống. Điều này rất quan trọng, muốn như thế, không chỉ là sự giáo dục trong trường lớp, khóa học mà phải làm thường xuyên qua nhiều kênh khác nhau, để hình thành lối sống, nếp nghĩ.
Ngoài ra cần có cả giải pháp liên quan đến bảo đảm chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức thật phù hợp, xứng đáng. Cùng với đó là kỷ luật của các cơ quan, đơn vị phải chặt chẽ, rõ ràng, không để xảy ra tình trạng bao che, dẫn đến mất niềm tin.
Hiện cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp, đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo văn hóa liêm chính. Vì thế, Quy định 144-QĐ/TW càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiểu rõ và tự giác thực hiện đầy đủ 5 nội dung trong Quy định này, chính là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xói mòn về phẩm chất đạo đức, tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng, kiến tạo văn hóa liêm chính….
Hiện các địa phương đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Quy định 144-QĐ/TW chính là “cẩm nang”, là cơ sở để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, thưa ông?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trước mỗi kỳ Đại hội, cùng với xây dựng văn kiện, công tác nhân sự bao giờ cũng đặt ra những yêu cầu rất quan trọng, vấn đề sống còn, hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi, dù quy trình có chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là một trong những yếu tố bảo đảm yêu cầu cần và đủ. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố, thậm chí có những yếu tố mà bằng biện pháp hành chính không thể giải quyết được.
Bởi vì đây là chọn con người gắn với lòng người, với tâm lý, với thái độ, ý thức… rất khó để nắm bắt tuyệt đối. Chưa kể những tác động ngoại cảnh hoặc điều kiện đặc biệt nào đó khiến người ta có thể chuyển đổi nhận thức, thái độ, quan điểm, hành vi, lối sống. Cho nên, công tác nhân sự vô cùng phức tạp, khó khăn, nhưng vẫn phải tiến hành rất chặt chẽ ở các khâu để bảo đảm hạn chế tới mức tối thiểu những chọn lựa sai lầm.
Theo tôi, thời điểm Đại hội Đảng các cấp chuẩn bị diễn ra, công tác cán bộ đã được đặt ra với những yêu cầu nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người cục bộ, bè phái, cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực..., nhưng tiêu chuẩn trong Quy định 144-QĐ/TW vẫn có ý nghĩa soi chiếu rất quan trọng, những người đã có tì vết, nên cân nhắc, xem xét rõ ràng. Nhưng muốn được thế, vẫn phải trở lại việc lắng nghe ý kiến của dân thật kỹ, thật sự khách quan, nhiều chiều để đánh giá chính xác được cán bộ.
Trên thực tế, chính đội ngũ cán bộ là hình ảnh và đại diện trực tiếp của Đảng trước Nhân dân, vì thế sự nghiêm túc trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ đó, chọn ra được những cán bộ có đức, có tài, đáp ứng được niềm tin của người dân, để tăng cường sức mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, thực hiện thành công những nhiệm vụ khổng lồ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!