Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh vùng khó

Giúp học sinh miền núi, vùng cao được tiếp cận với các nguồn kiến thức phong phú để phát triển ngôn ngữ, tư duy, ngành Giáo dục Bắc Giang chú trọng giáo dục, định hướng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách cho các em.

Hình thành thói quen đọc sách

Tạo dựng thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh là một trong những hoạt động quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, tạo nền tảng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đối với địa bàn vùng khó khăn, việc tiếp cận tri thức qua sách vẫn là phương thức hiệu quả.

 Học sinh Trường Tiểu học Đèo Gia (Lục Ngạn) đọc sách tại thư viện nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Đèo Gia (Lục Ngạn) đọc sách tại thư viện nhà trường.

Những năm qua, Trường Tiểu học Đèo Gia (Lục Ngạn) luôn khuyến khích học sinh tiếp cận với sách và tạo ra nhiều không gian đọc để hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho các em. Nhà trường có 482 học sinh chủ yếu là người dân tộc Cao Lan. Thầy giáo Ngô Đức Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để bồi đắp tri thức cho học sinh, nhà trường đã xây dựng thư viện với gần 2 nghìn đầu sách tham khảo các loại. Ngoài bố trí phòng đọc rộng rãi, nhà trường còn có hai giá sách lưu động tại sân trường cho học sinh ngồi đọc giải trí ngoài giờ lên lớp”. Thư viện nhà trường góp phần rèn thói quen đọc sách, tự nghiên cứu không chỉ cho học sinh mà còn cho cả cán bộ, giáo viên. Để các em ham đọc, hằng năm, nhà trường đều dành phần thưởng là những cuốn sách hay cho học sinh có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

Tạo không gian đọc sách trong nhà trường đã giúp các em hình thành thói quen hằng ngày tiếp cận tri thức mới. Chính vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách phong phú, hữu ích, phù hợp với từng lứa tuổi, nhiều trường học ở khu vực miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh còn tổ chức các chuỗi hoạt động trải nghiệm để lan tỏa văn hóa đọc đến với mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh như: Thi tìm hiểu sách theo chủ đề, làm clip giới thiệu sách, ngày hội đọc sách, đại sứ văn hóa đọc.

Trường Trung học cơ sở Vân Sơn (Sơn Động) duy trì “Giờ đọc hạnh phúc” trong môn Ngữ văn, giúp học sinh cùng đọc và chia sẻ cảm nhận về các tác phẩm văn học và thuyết trình về các chủ đề của bài học để phát huy năng lực, kỹ năng làm các bài văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Đặc biệt, kể từ năm học này, trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông đều lấy ngữ liệu môn Ngữ văn ngoài sách giáo khoa thì việc tự đọc các tác phẩm văn học, văn bản thông tin tham khảo sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn giá trị cốt lõi để phân tích, đánh giá, cảm thụ tác phẩm.

Em Nguyễn Văn Thái Học (dân tộc Tày), học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Vân Sơn nói: “Đọc sách sẽ có thêm nhiều kiến thức, làm cho ngôn ngữ, tâm hồn phong phú hơn nên em luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tìm đọc những cuốn sách hay trong thư viện nhà trường. Cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về nhiều lĩnh vực bổ trợ cho các bài học trên lớp để có kiến thức toàn diện hơn”.

Định hướng đọc sách phù hợp lứa tuổi

Hiện nay, toàn tỉnh có 76 cơ sở giáo dục ở 24 xã đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện là Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế đều có thư viện đạt chuẩn theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Hưởng ứng các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025, từ ngày 15/4 đến 2/5, các trường học miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu đầu sách mới và ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Sân khấu hóa nội dung cuốn sách cho học sinh hóa thân thành các nhân vật trong truyện cổ tích, nhân vật lịch sử; tổ chức diễn đàn kể chuyện về Bác Hồ; hùng biện, giới thiệu các cuốn sách hay. Học sinh được giáo viên định hướng, khuyến khích thảo luận, trao đổi về nội dung cuốn sách, từ đó nâng cao khả năng tư duy và sáng tạo.

Hưởng ứng các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025, từ ngày 15/4 đến 2/5, các trường học miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu những đầu sách mới và ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Ông Chu Bá Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động cho biết: “Ở các địa bàn miền núi, vùng cao, điều kiện vui chơi, giải trí của các em còn gặp nhiều khó khăn. Thư viện trường học không chỉ là nơi để học hỏi, rèn thói quen đọc mà còn là địa điểm giải trí cho trẻ em. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường ngoài bổ sung đầu sách, còn liên tục trao đổi, luân chuyển sách giữa thư viện của các trường trên địa bàn, tạo sự hấp dẫn, mới lạ cho học sinh lựa chọn, tìm tòi, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu”.

Nhiều học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi tìm hiểu về sách. Tiêu biểu như trong cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang năm 2024" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, em Hoàng Minh Thư, lớp 1A, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Khương (Sơn Động) đoạt giải C; em Nguyễn Thu Huệ, lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Yên Thế có bài viết dự thi ấn tượng nhất...

Theo ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để xây dựng văn hóa đọc cho học sinh nói chung, ở vùng khó nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các nhà trường quan tâm đầu tư, bổ sung nhiều đầu sách mới, phong phú về các lĩnh vực. Các nhà trường yêu cầu nhân viên thư viện bố trí, sắp xếp tủ sách theo chủ đề, lĩnh vực, khoa học, dễ tìm, không gian thoáng mát, thoải mái, tạo hứng thú cho học sinh đọc sách. Giáo viên phối hợp với nhân viên phụ trách thư viện chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tiết học thư viện, xây dựng thói quen đọc sách, học tập suốt đời cho các em. Ngành Giáo dục phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển sách về các trường học miền núi, vùng khó khăn để bổ sung nguồn tài liệu phong phú cho các em khai thác, bồi đắp tri thức.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-van-hoa-doc-cho-hoc-sinh-vung-kho-postid416543.bbg
Zalo