Xây dựng văn hóa chống lãng phí

'Chống lãng phí phải trở thành văn hóa trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn xã hội, thấm vào từng cán bộ đảng viên, từng gia đình, từng người dân'- TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Hiện trạng khu đất tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí. Ảnh: Quốc Thanh.

Hiện trạng khu đất tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí. Ảnh: Quốc Thanh.

PV: Thưa ông, là một đảng viên, một cử tri, cá nhân ông đánh giá như thế nào về công cuộc chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay được Tổng Bí thư Tô Lâm phát động?

TS Nguyễn Viết Chức.

TS Nguyễn Viết Chức.

TS Nguyễn Viết Chức: Nhiều người cho rằng lãng phí lớn lắm, lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Cho nên, trong giai đoạn hiện nay chống lãng phí dứt khoát phải đi kèm với chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thêm chức năng chống lãng phí thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Mặc dù chúng ta đã có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ngay trước mắt chúng ta. Trong ca dao Việt Nam có câu: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” thế nhưng nhiều nơi ruộng đồng vẫn bị bỏ hoang, vô cùng lãng phí. Bây giờ lãng phí kinh khủng lắm, đối với người lao động 1 triệu đồng đã là quý, vậy mà nhiều công trình hàng nghìn tỷ đồng nằm “đắp chiếu” năm này qua năm khác.

Làm ra 1 đồng lại để lãng phí 1 đồng, có 10 đồng mà lãng phí 9 đồng thì làm sao mà vươn mình được. Bên cạnh lãng phí vật chất, tiền bạc còn có lãng phí lớn hơn đó là lãng phí về cơ hội và thời gian. Đó là hai thứ mất đi không bao giờ lấy lại được. Cơ hội mất đi không lấy lại được cơ hội, thời gian cũng không bao giờ lặp lại. Vậy, làm sao vươn mình được trong kỷ nguyên mới?

Không chỉ bản thân chúng ta mà thế giới cũng đang kỳ vọng vào chúng ta. Phải tranh thủ tuyệt đối để phát triển đất nước, bù vào những lúc khó khăn. Việt Nam đã đặt ra khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Từ nay đến lúc đó còn 20 năm. Nhanh lắm! Nếu không chuẩn bị tốt từ hôm nay, đến năm 2045 không thể thực hiện được ước mơ khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là ước mơ khát vọng ngàn đời, chúng ta đã vượt qua gian khó, rồi xóa đói giảm nghèo. Vì vậy lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo đến hết quý I/2025 phải hoàn thành tinh gọn tổ chức bộ máy. Hết năm 2025 phải xóa sạch nhà tạm, nhà dột nát. Từng mục tiêu, từng việc đã được đặt ra với các chương trình, thời gian cụ thể. Và đây cũng là giai đoạn phải tiết kiệm mọi thứ, không để lãng phí được nữa, kể cả về vật chất, cơ hội, và thời gian.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng chia sẻ cảm thấy sốt ruột về lãng phí, có những khu đất vàng, dự án hàng nghìn tỷ đồng để đắp chiếu mà không ai chịu trách nhiệm. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Gây lãng phí là tội và phải bị xử lý. Chống lãng phí phải hiểu là vấn đề hết sức lớn được Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo mạnh mẽ. Do đó, mỗi người dân phải có trách nhiệm chứ không thể “khoán trắng” cho Nhà nước. Cần phải có ý thức tiết kiệm từ mỗi người dân, từng gia đình. Tuổi trẻ càng phải hiểu và biết tiết kiệm, làm ra 1 đồng phải biết chi tiêu 1 đồng. Chứ không phải làm theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Rồi phải tiết kiệm sức khỏe, sức lực của mình để xây dựng đất nước. Phải tiết kiệm mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ, mọi hoàn cảnh trong toàn xã hội, gia đình và từng cá nhân, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Như thế chống lãng phí mới đem lại hiệu quả to lớn trong hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.

Nhiều người nói chống lãng phí là khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Ai không làm thì phải có biện pháp mạnh. Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng đặt câu hỏi: “Đất vàng mà để lãng phí như thế phải có người chịu trách nhiệm chứ?”. Có nghĩa người đứng đầu Đảng ta đã đặt vấn đề về người phải chịu trách nhiệm trong việc đó chứ không phải đất bị lãng phí mà không có ai chịu trách nhiệm cả. Vấn đề này phải truy đến cùng xem là do ai, nguyên nhân do đâu và ai chịu trách nhiệm?

Tham nhũng được coi là quốc nạn và bị khinh bỉ, vấn đề phòng chống tham nhũng đã được đưa vào trong chương trình giảng dạy để hình thành văn hóa liêm chính. Như vậy đã đến lúc chúng ta cần hình thành văn hóa chống lãng phí, thưa ông?

- Đúng vậy! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. “Cần” là yếu tố quan trọng vì phải cần cù chăm chỉ lao động, vì thế ông cha ta mới có câu: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Bên cạnh “cần” thì phải “kiệm”, chứ làm 10 đồng mà tiêu hết 9 đồng, thậm chí tiêu hết 15 đồng, nghĩa là phải đi vay thêm để tiêu thì làm sao có thể giàu có được? Truyền thống văn hóa Việt Nam, ông cha ta đã đúc kết cả nghìn năm thì “cần” và “kiệm” là vô cùng quan trọng.

Chúng ta phải xây dựng, hình ảnh lối sống phù hợp với yêu cầu hiện đại, nhất là giáo dục đối với giới trẻ phải biết tiết kiệm, không được lãng phí.

Thưa ông, vừa qua tại cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri đã phản ánh với Tổng Bí thư rằng phải cương quyết chống lãng phí. Nhưng để quyết tâm đó trở thành hiện thực thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị?

- Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi đã trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư. Tổng Bí thư đã đưa ra ví dụ rất thực tiễn, việc cũ nhưng cũ cũng phải làm. Việc đó cũng giống như bác sĩ chữa cho bệnh nhân mà không khỏi bệnh, khi chuyển bệnh nhân lên cho mình mà mình bảo bác sĩ kia chữa không khỏi thì người đó phải chịu trách nhiệm còn mình không chữa nữa. Như thế là không được. Là bác sĩ khi có bệnh nhân thì phải chữa. Ở đây “bệnh nhân” không phải là cá nhân nữa mà là “bệnh của cả xã hội”. Anh này chữa chưa khỏi thì anh khác phải tiếp tục chữa, chứ không được đổ lỗi cho nhau, né tránh trách nhiệm.

Ví dụ trên của Tổng Bí thư cho thấy, mỗi cán bộ phải có trách nhiệm, còn trách nhiệm của người khác thì tính sau. Dự án kéo dài nhiều năm, có câu chuyện của nhiệm kỳ trước mà nhiệm kỳ này không giải quyết là không được. Phải làm để giải quyết việc của nhiệm kỳ trước và của chính mình. Có thế nào cũng phải nhận trách nhiệm về mình chứ không đổ tại nhiệm kỳ trước. Tổng Bí thư đang truyền cảm hứng của mình cho toàn xã hội trong một thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Do đó, chống lãng phí là điều vô cùng quan trọng của nhiệm kỳ này và cần sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội.

Để chống lãng phí trước tiên cần phát huy vai trò của người đứng đầu, sự nêu gương của cán bộ đảng viên các cấp, thưa ông?

- Với đảng viên, việc gì cũng phải nêu gương chứ không chỉ chống lãng phí. Bên cạnh đó, luật pháp cũng phải rõ ràng, các dự án phải chặt chẽ nhưng cũng phải thông thoáng, không để ách tắc, mất đi cơ hội, gây khó khăn phải “chạy” mới được. Trong giai đoạn hiện nay Mặt trận phải phát động và có vai trò to lớn trong công cuộc chống lãng phí. Bây giờ Mặt trận có thể vào cuộc giám sát, phản biện xã hội xem ai để lãng phí? Lãng phí ở đâu thì chỉ ra để thấy rằng lãng phí là do ai. Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận có vai trò rất lớn. Hiến pháp và pháp luật đã ghi rõ chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam các cấp, vậy thì vai trò đó phải được phát huy, phải đoàn kết người dân để phát hiện, chỉ ra “chỗ này, chỗ kia”, “ông A, bà B” gây lãng phí để Đảng, Nhà nước biết thông tin còn xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-van-hoa-chong-lang-phi-10297575.html
Zalo