Xây dựng và lan tỏa thương hiệu Việt
Thương hiệu không chỉ góp phần tăng giá trị doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thương hiệu còn thể hiện nội lực của doanh nghiệp và nội lực của quốc gia. Theo đại diện Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, các thương hiệu Việt Nam từ lĩnh vực thực phẩm đến ngân hàng đều thể hiện sự kiên cường trong tình hình thị trường khó khăn.
Thương hiệu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định vị thế trong cạnh tranh trong và ngoài nước. Đặc biệt, một số thương hiệu đã tạo được tiếng vang lớn.
“Kiên cường trong tình hình thị trường khó khăn”
Báo cáo mới nhất của Brand Finance - đơn vị tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới cho hay, Việt Nam đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng 102% giai đoạn 2019 - 2023, đạt 498,13 tỷ USD vào năm 2023 và xếp thứ 33 trong 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới. Đáng chú ý, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp, kể từ năm 2015. Hiện Viettel dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD, Vinamilk đứng thứ hai với giá trị 2,6 tỷ USD và VNPT đúng thứ ba với giá trị 2,6 tỷ USD. 3 DN có giá trị thương hiệu lớn nhất của Việt Nam từ các lĩnh vực khác nhau đã tạo thêm động lực cho nền kinh tế được dự báo đang giảm tốc trong năm nay, vượt qua kỳ vọng với mức tăng trưởng ít nhất 83%. Ngoài ra còn có những thương hiệu nổi tiếng như: PNJ, Vietjet, FPT...
Nói về câu chuyện xây dựng thương hiệu, bà Trần Thị Kim Phượng - Giám đốc FPT Software Hồ Chí Minh khẳng định, đơn vị luôn tiên phong trong các xu hướng công nghệ mới, hướng đến đạt những chứng chỉ quốc tế để minh chứng cho sự phát triển thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh, họ hỏi những mô hinh thành công của các DN lớn trong và ngoài nước. Ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc Marketing Công ty cổ phầm Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho hay, DN luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng không thể tồn tại, phát triển lâu dài vì mỗi thời kỳ bán lẻ có những hình thức khác nhau.
“Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, DN luôn sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ dáp ứng được các tiêu chuẩn”, ông Dũng nói đồng thời cho biết, phát huy những thành công đạt được, tìm chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường mới, hiện sản phẩm của DN đang xâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ.
Đánh giá cao sự lớn mạnh của thương hiệu Việt, ông Alex Haigh - Giám đốc điều hành của Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương nhận xét: Các thương hiệu Việt Nam từ lĩnh vực thực phẩm đến ngân hàng đều thể hiện sự kiên cường trong tình hình thị trường khó khăn, ghi nhận sự cải thiện về giá trị thương hiệu.
Cần đòn bẩy giúp thương hiệu Việt càng lớn mạnh
Trong những năm qua, DN Việt có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy nền kinh tế vẫn đối diện với khó khăn như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững; sản phẩm xuất khẩu vẫn là sản phẩm thô chiếm 70 - 80%...
Theo giới chuyên gia, thương hiệu không chỉ là tên gọi mà là tài sản quý của DN. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh. Sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế và tác động từ và biến đổi khí hậu đòi hỏi các DN phải kiên trì và linh hoạt. Có 5 trụ cột để xây dựng thương hiệu thành công, đó là kể những câu chuyện hấp dẫn, thực thi các tuyên bố giá trị, phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường, không ngừng đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả nghệ thuật marketing.
Ủng hộ DN phát triển thương hiệu nhưng không ít ý kiến cho rằng ngoài nỗ lực của DN cần đòn bẩy từ phía Nhà nước, cơ quan quản lý. Đơn cử, để hỗ trợ cho DN xây dựng thương hiệu, UBND TPHCM giao cho Hiệp hội DN thành phố, Sở Công thương chỉ trì đề án “Xây dựng một số DN lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Tuy nhiên, theo TS Hồ Xuân Hướng - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, DN nhỏ và vừa không dễ dàng xây dựng thương hiệu. Việt Nam có hơn 90% DN nhỏ và vừa, vì vậy khi xây dựng thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế cần có chính sách hỗ trợ cho cả DN nhỏ. Nghĩa là, đối với DN lớn cần chính sách để lớn hơn, đối với DN nhỏ và vừa cần chính sách hỗ trợ để lớn lên.
Đề cập đến việc xây dựng thương hiệu Việt, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, để xây dựng thương hiệu Việt cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp. Từ cơ quan quản lý, hiệp hội mà nhất là sự cố gắng trong phát triển sản xuất kinh doanh của DN và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Theo bà Nga, thương hiệu Việt đã có những bước tiến đáng mừng. Đến năm 2023, giá trị thương hiệu Việt đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
Còn thiếu doanh nghiệp đóng vai trò “đầu tàu”
DN Việt không ngừng vươn lên, chứng minh khả năng sáng tạo, thích ứng và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít những DN lớn đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt các DN khác thay đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo xu hướng toàn cầu hóa. Đa phần vẫn là các DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế để có thể vươn ra biển lớn cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho thương hiệu Việt. Nhân tố mới đó chính là yếu tố xanh. Khả năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững và thích ứng với những đòi hỏi mới của thị trường và khách hàng, song cũng là bài toán lớn đặt ra cho các DN.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Tập đoàn Vietravel:
Thể hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Bối cảnh hiện nay đặt ra cho các DN nhiệm vụ bức thiết về việc phải xây dựng thương hiệu mang tầm toàn cầu. Ngoài ra, không ngừng xanh và số hóa, kết nối sâu rộng trong chuỗi giá trị của ngành kinh tế. Muốn có thương hiệu mang tầm thế giới, các DN phải quan tâm đặc biệt đến định hướng, mục tiêu và lựa chọn thương hiệu thể hiện được giá trị cốt lõi của DN. Sở dĩ chưa có nhiều DN Việt Nam xây dựng được thương hiệu lớn mạnh tầm quốc gia do phát triển thương hiệu không phải là ngày một ngày hai mà cần có sự đầu tư lớn và lâu dài.
Xây dựng thương hiệu từ chiến lược “xanh”
Bằng chiến lược đầu tư xanh, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang hướng đến nền tảng kinh doanh với sự tối ưu chi phí và lợi nhuận bền vững, gây dựng thương hiệu của mình bằng chiến lược kinh doanh xanh.
Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, thị trường châu Âu ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về trách nhiệm phát triển xanh và tiêu dùng xanh cho nhà sản xuất. Do đó, để có thể đưa hàng vào thị trường khó tính này, nhiều năm qua, Tổng công ty triển khai mạnh mẽ sử dụng năng lượng tái tạo, như hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hoặc thay lò hơi đốt bằng than bằng điện hoặc nguyên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, May 10 đã tăng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm lên nhiều lần để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các thị trường xuất khẩu.
Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới sẽ xanh hóa nền kinh tế và đưa phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050. Vì thế, các DN Việt đều hiểu rằng phát triển xanh có nghĩa là thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sự tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và đi theo con đường bền vững về môi trường.
Tín chỉ carbon đang được nhiều DN đánh giá là sẽ tạo ra những chuyển động mới cho đầu tư xanh, có thể đem lại lợi nhuận phân bổ cho cộng đồng.
Vào năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với một công ty quốc tế, lập dự án để thực hiện xác lập loại tín chỉ này cho mô hình canh tác lúa bền vững có từ năm 2016. Mô hình này có các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, giúp giảm lượng khí thải nhà kính tạo ra trong suốt một vụ lúa ước lượng lên đến 2.000 tấn CO2.
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, những dữ liệu nói trên cho thấy thấy, cộng đồng DN Việt đã và đang tạo dựng thương hiệu bằng việc hướng tới phát triển xanh, sản xuất xanh, đó chính là hướng đi ổn định và mang tính bền vững, từ đó nâng sức cạnh tranh, tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới.
Q.Lê