Xây dựng ứng dụng, dữ liệu từ bản đồ số TP HCM

Các chuyên gia cho rằng với nền tảng bản đồ số TP HCM, có thể chia sẻ dữ liệu từ các sở, ngành để cho ra nhiều ứng dụng, dữ liệu mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, hoạch định chính sách.

Chiều 11-7, tại tọa đàm "Bản đồ số TP HCM dưới dạng lưới vector - Công cụ quản lý đô thị hiệu quả trong xu thế chuyển đổi số", ông Bùi Hồng Sơn, Chuyên gia tư vấn GIS (hệ thống thông tin địa lý), Ngân hàng Thế giới (WB), Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và môi trường TP HCM, giới thiệu các ứng dụng khi khai thác bản đồ số TP HCM.

Tọa đàm được Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) phối hợp cùng Chi hội Nghiên cứu vùng và đô thị (ARUS) trực thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức.

Tọa đàm được Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) phối hợp cùng Chi hội Nghiên cứu vùng và đô thị (ARUS) trực thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức.

Theo ông Sơn, bản đồ số TP HCM quy tụ gần 200 lớp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000 trên địa bàn thành phố. Đây là nỗ lực rất lớn của TP HCM.

Chuyên gia cho rằng bản đồ số TP HCM hiện nay ở dạng sử dụng các dữ liệu vector và khi chuyển sang dưới dạng dữ liệu lưới vector (Grid) thì sẽ có một số công cụ hỗ trợ công tác quy hoạch để cùng nhau khai thác, sử dụng hiệu quả.

Theo đó, bản đồ khi chuyển sang dạng lưới thì có thể xử lý nhiều vấn đề chẳng hạn như: đánh giá sơ bộ hiện trạng vùng dự tính triển khai TOD, khái toán giá trị đền bù đất khi mở rộng đường, chọn vùng đầu tư với đa tiêu chí (trong đó có giá trị đất);…

Theo ông Sơn, bản đồ số trong tương lai sẽ là môi trường cộng tác, nền tảng tích hợp, xử lý, phân tích tạo dữ liệu mới và các dịch vụ dữ liệu (API) mới để người dùng khai thác, sử dụng dữ liệu tạo ra nhiều ứng dụng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền.

"Bản đồ mà nó còn là nền tảng HCMC OneMap Platform để tạo ra những cái mới từ nhiều nguồn dữ liệu khác và sẽ tạo ra nhiều ứng dụng, dữ liệu mới phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội" - ông Sơn nói.

Mỗi ngành nghề thông qua nền tảng này sẽ tạo ra nhiều ứng dụng, dữ liệu mới. Thành phố có thể tiếp cận, xây dựng, đầu tư bản đồ số dạng lưới để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.

Theo ông, vấn đề quan trọng là nhận thức dữ liệu trên dữ liệu, quyết định dựa trên dữ liệu, đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu và tiến tới kinh tế dữ liệu. Nếu làm tốt công tác dữ liệu từ các sở, ngành, lĩnh vực thì sẽ còn nhiều ứng dụng hay hơn nữa xuất hiện.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu, đồng thời với nền tảng bản đồ số TP HCM có thể giúp hoạch định chính sách, rút ngắn thời gian công việc, sớm đưa ra quyết định trong công việc.

TS Nguyễn Xuân Long, Trường đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng khi được cung cấp số liệu gốc thì có thể làm được nhiều việc, chắc chắc sẽ có vô vàn sản phẩm ra đời phục vụ cho các đối tượng phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, số liệu ở dạng thứ cấp thì sẽ bị hạn chế phạm vi áp dụng.

Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng cơ sở dữ liệu cực kỳ quan trọng nhưng vấn đề hiện nay là ai đặt hàng, ai làm.

"Nói thiếu số liệu cơ bản nhưng không biết số liệu gì. Phải cần suy nghĩ và đưa ra danh sách đặt hàng" – ông Thành nói.

Hiện nay, có nhiều dữ liệu không phải là dữ liệu địa lý, chẳng hạn như điều tra thu nhập người dân trong một phường, dữ liệu dạng này rất thiếu. Theo ông, dù công cụ tốt nhưng sẽ không đưa ra được quyết định chính xác nếu thiếu dữ liệu.

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-ung-dung-du-lieu-tu-ban-do-so-tp-hcm-19624071122051166.htm
Zalo