Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đó là nội dung của buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND tỉnh Tuyên Quang diễn ra vào ngày 3/1, nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương miền núi này.

Tỉnh Tuyên Quang có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là gần 450.000 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên; diện tích rừng hiện có là hơn 426.000 ha, chiếm khoảng 2, 9% của cả nước và gần 8% của các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ;

Hàng năm Tuyên Quang trồng được trên 11.000 ha rừng, vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ, giấy trên 190.000 ha (trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 85.600 ha). Con số thể hiện Tuyên Quang là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng lớn của cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 3 cả nước (đạt 65,18%).

Khai thác hằng năm trên 1,1 triệu m3 gỗ, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững đứng thứ nhất toàn quốc, đạt 83.231 ha.

Tỉnh có 3 sản phẩm gồm: Giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa; ván công nghiệp và sản phẩm đồ gỗ từ gỗ rừng trồng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Các mặt hàng sản xuất lâm nghiệp gồm: Đồ gỗ gia dụng, giấy đế, giấy in, giấy viết, giấy phô tô, đũa gỗ, bao bì giấy, gỗ keo ván sàn, gỗ ván ép, viên nén xuất khẩu được xuất khẩu trực tiếp đến nhiều nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến lâm sản năm 2024 ước đạt 4.791 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2024 dự kiến đạt 47,7 triệu USD.

Năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Ðề án "Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ".

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm vệc, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị khẳng định: Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” là đúng đắn. Đề án phải xây dựng đúng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững; những nội dung nào xây dựng công nghệ cao phải ứng dụng công nghệ cao để không chỉ phát triển lâm nghiệp gia tăng giá trị mà còn nhiều giá trị khác.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã có quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp, đủ các điều kiện pháp lý đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh tự phê duyệt đề án. Tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp; quan tâm thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng đề án ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng.

Toán Nguyễn - Tiểu Thủy Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-tuyen-quang-tro-thanh-khu-lam-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-10297677.html
Zalo