Xây dựng trung tâm triển lãm-hội chợ xứng tầm quốc tế

Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo với chủ đề 'Hình thành Trung tâm Hội chợ-Triển lãm quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh: Định hình cấu trúc, không gian quy hoạch và hệ sinh thái phát triển'.

Khách tham quan gian hàng tại một triển lãm ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7). (Ảnh HOÀNG LIÊM)

Khách tham quan gian hàng tại một triển lãm ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7). (Ảnh HOÀNG LIÊM)

Mục tiêu của hội thảo là báo cáo các kết quả nghiên cứu Đề án “Xây dựng trung tâm hội chợ-triển lãm quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh”; đồng thời, tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện, đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Từ đó, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề án; xác định các giải pháp, nguồn lực cụ thể trong việc thu hút đầu tư, để thành phố sớm triển khai xây dựng một số trung tâm hội chợ-triển lãm mang tầm quốc tế, giúp ngành công nghiệp triển lãm-hội chợ nói riêng và kinh tế thành phố nói chung phát triển mạnh mẽ hơn.

Năng lực chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan tham mưu Đề án), hiện thành phố có khoảng 188 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm. Ngoài hai địa điểm tập trung là Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn-SECC và Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, phần lớn các địa điểm còn lại là tận dụng các vị trí sẵn có ở địa phương, đáp ứng các điều kiện tối thiểu về các dịch vụ phục vụ (điện, nước, an ninh, vệ sinh) như: Nhà Thiếu nhi, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm thể dục-thể thao, trung tâm thương mại, khách sạn, một số tuyến đường, công viên, khu dân cư…

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, các địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển thành phố. Trong khi đó, toàn thành phố chỉ có khoảng 10 địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm có quy mô tối thiểu 1.000 gian hàng; khoảng 10 địa điểm có thể đáp ứng hội chợ, triển lãm có quy mô từ 500 đến tối đa 1.000 gian hàng.

Hiện nay, thành phố rất thiếu các địa điểm, không gian có diện tích lớn, được đầu tư và vận hành chuyên nghiệp, cùng các dịch vụ hỗ trợ chung quanh để thu hút các đối tác lớn trong và ngoài nước tham gia tổ chức những triển lãm, hội chợ xứng tầm quốc tế.

Hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khoảng 400 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức trên địa bàn thành phố, số lượng tăng bình quân 3,68%/năm. Việc thiếu các địa điểm tổ chức sự kiện hội nghị, hội chợ, triển lãm quy mô lớn làm giảm đi những cơ hội trong hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng. Thực trạng này còn thúc đẩy xu hướng chuyển dịch việc tổ chức các sự kiện hội nghị, hội chợ, triển lãm về một số tỉnh lân cận.

Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cho rằng: Với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ quốc tế, thành phố đã và đang trở thành một trung tâm quy tụ các hoạt động giao thương sôi động cả trong nước, ngoài nước và sở hữu nhiều lợi thế để trở thành trung tâm hội chợ-triển lãm quốc tế với quy mô lớn.

Thành phố kỳ vọng đến năm 2030 doanh thu ngành công nghiệp triển lãm-hội chợ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 0,6% GRDP của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố nỗ lực tổ chức thường xuyên, định kỳ các hội nghị, hội chợ, triển lãm quốc tế...

Cần có tầm nhìn dài hạn

Theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành phố có vị thế “đầu tàu” kinh tế của cả nước cho nên quy mô xây dựng trung tâm hội chợ - triển lãm cần lớn hơn, xứng tầm cả nước và khu vực. Ông Sơn nêu dẫn chứng: Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã xây dựng Trung tâm hội chợ-triển lãm có quy mô 500 ha. Một triển lãm quốc tế từng được tổ chức ở nơi đây đã thu hút khoảng 73 triệu lượt khách trong và ngoài nước, tạo ra 70.000 việc làm; đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng GRDP của Thượng Hải.

Đồng thời cho rằng: Thành phố cần có chiến lược, định hướng việc đầu tư xây dựng một trung tâm triển lãm-hội chợ đạt đẳng cấp quốc tế với quy mô diện tích từ 100 ha trở lên. Cũng theo ông Sơn, hiện thành phố đang có 5 vị trí tiềm năng có thể xây dựng trung tâm hội chợ-triển lãm quốc tế, đó là: mở rộng, nâng cấp khu SECC (Quận 7) quy mô 11,5 ha; nâng cấp khu triển lãm ở Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) khoảng 83.000 m2; khu đất ở phường Thới An (Quận 12) khoảng 30 ha; khu đất tại xã Tân Kiên, Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) khoảng 30 ha; khu nông trường dừa (thành phố Thủ Đức) khoảng 36 ha. Như vậy, quy mô trung tâm hội chợ-triển lãm quốc tế lớn nhất mà thành phố đề xuất xây dựng cũng chỉ khoảng 36 ha, còn rất nhỏ bé so với các quốc gia khác.

Theo Sở Công thương, thành phố định hướng xây dựng thương hiệu là Trung tâm hội chợ-triển lãm, hội nghị quốc tế và đã quy hoạch hai địa điểm xây dựng tại Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) và Quận 12. Ngoài hai địa điểm này, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo xây dựng bốn Trung tâm hội chợ-triển lãm ở bốn khu vực (đông, tây, nam, bắc) của thành phố.

Còn theo Viện Quy hoạch xây dựng, thành phố sẽ nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm hội nghị, hội chợ, triển lãm hiện có trên địa bàn; bảo đảm cơ bản các tính chất, chức năng, quy mô và trình độ công nghệ để thực hiện mục đích và công năng tổ chức, cung cấp các dịch vụ về hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trung tâm hội nghị, hội chợ, triển lãm trên địa bàn theo nhu cầu phát triển thực tế và định hướng quy hoạch được duyệt. Ông Ngô Viết Nam Sơn và các chuyên gia khác đều cho rằng: Trung tâm triển lãm-hội chợ quốc tế không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày, quảng bá, mua-bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của một thành phố hoặc quốc gia phát triển; từ đó, góp phần nâng cao vị thế của thành phố hoặc quốc gia đó.

Vì vậy, bên cạnh việc hình thành các trung tâm triển lãm-hội chợ có quy mô vài chục héc-ta để đáp ứng nhu cầu trước mắt, thành phố cần có tầm nhìn dài hạn, đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm triển lãm-hội chợ quy mô lớn, lên tới hàng trăm héc-ta, kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông, dịch vụ... để xứng tầm với quy mô siêu đô thị của thành phố trong tương lai.

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-trung-tam-trien-lam-hoi-cho-xung-tam-quoc-te-post854705.html
Zalo