Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và hướng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Việc Việt Nam đang xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (TTTC) sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển. Việc phát triển các hoạt động này chắc chắn sẽ làm phát sinh tranh chấp...

Sử dụng khung pháp lý hiện hành về trọng tài
Ưu điểm của thiết chế trọng tài
Tranh chấp như vừa nêu đương nhiên có thể được giải quyết tại tòa án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC (tháng 3-2025, sau đây gọi là “Dự thảo Nghị quyết”) cũng thừa nhận thẩm quyền đương nhiên này của tòa án (xem điều 32). Tuy nhiên, nhà đầu tư thường không ưa thích giải quyết tranh chấp của họ tại tòa án (cơ quan công quyền) vì nhiều lý do như không quen hay không thích “văn hóa pháp đình” tại tòa án; phán quyết của tòa án rất khó được công nhận và cho thi hành ở nước khác.
Nhà đầu tư thường ưa thích giải quyết tranh chấp của họ tại trọng tài vì tính trung lập cao (do là tổ chức phi chính phủ), tính bảo mật cao (nguyên tắc là không công khai như ở tòa án), thủ tục nhanh và mềm dẻo dựa vào ý chí của các bên (các bên được lựa chọn trọng tài viên, ngôn ngữ trong tố tụng, địa điểm/thời điểm giải quyết tranh chấp, thời hạn tố tụng...) và đặc biệt là phán quyết trọng tài có khả năng được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài rất cao (do Công ước New York năm 1958 điều chỉnh việc này đã được đa số các nước trên thế giới phê chuẩn).
Chính vì vậy, việc ghi nhận song song khả năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (cần có thỏa thuận trọng tài) là cần thiết và Dự thảo Nghị quyết cũng theo hướng này (điều 32) là thuyết phục.
Khai thác thiết chế trọng tài hiện hành
Khi quyết định lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, nhà đầu tư có thể lựa chọn các thiết chế trọng tài đang tồn tại. Đó có thể là trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam như VIAC và trọng tài được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Thực tế, các thiết chế trọng tài hiện hành hoàn toàn có thể giải quyết các tranh chấp về tài chính phát sinh từ hoạt động ở TTTC.
Do đó, Dự thảo Nghị quyết hoàn toàn thuyết phục khi ghi nhận khả năng giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Cụ thể, điều 32 dự thảo này quy định “Nhà đầu tư, thành viên Trung tâm tài chính và các bên liên quan được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp theo pháp luật Việt Nam hiện hành” (khoản 1) và có thể lựa chọn “trọng tài nước ngoài” (khoản 2).
Xây dựng khung pháp lý mới về trọng tài
Mục tiêu “địa điểm tin cậy”
Dự thảo Nghị quyết có một trong “các mục tiêu” rất đáng lưu ý, đó là khẳng định muốn TTTC của Việt Nam “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”.
Nếu không có hệ thống pháp luật và hệ thống tòa án thân thiện/ủng hộ trọng tài, mục tiêu “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” không thể đạt được.
Thực ra, rất nhiều nước trên thế giới đã thể hiện mong muốn một địa điểm của nước mình trở thành nơi tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vì các lý do chính sau: giảm tải cho tòa án, tức giảm tải ngân sách cho Nhà nước (vì tòa án vận hành trên cơ sở ngân sách nhà nước trong khi đó trọng tài không dùng ngân sách nhà nước mà là dịch vụ do các bên trả phí); tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp tin cậy (rất khó kêu gọi đầu tư khi nhà đầu tư không tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp mà nước kêu gọi đang có); nếu không là địa điểm tin cậy, doanh nghiệp của nước họ phải chấp nhận giải quyết tranh chấp ở trọng tài nước ngoài nên rất tốn kém và nhiều rủi ro.
Để có thể “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, các nước nêu trên không chỉ “hô hào” mà đã phải có những cải cách sâu rộng theo hướng hệ thống pháp luật và hệ thống tòa án của họ thân thiện, ủng hộ trọng tài: Nếu không có hệ thống pháp luật và hệ thống tòa án thân thiện/ủng hộ trọng tài, mục tiêu “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” không thể đạt được. Vì vậy, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể.
Xây dựng trung tâm trọng tài mới
Dự thảo Nghị quyết theo hướng xây dựng một “trung tâm trọng tài quốc tế” trong khuôn khổ của TTTC. Thực ra, để có một TTTC, không nhất thiết phải tạo ra một trung tâm trọng tài mới vì, như đã nêu, tranh chấp phát sinh từ TTTC hoàn toàn có thể được giải quyết tại thiết chế trọng tài đang tồn tại. Tuy việc tạo ra một trung tâm trọng tài mới không mâu thuẫn với mong muốn có một TTTC nhưng cần cân nhắc. Bởi lẽ, để hoạt động, trung tâm đó cần được các nhà đầu tư lựa chọn dựa trên độ tin cậy và trung tâm đó cần có kinh phí để hoạt động thường xuyên trong khi đó rất nhiều trung tâm trọng tài ở Việt Nam được lập nhưng không có nhiều hoạt động.
Để là “địa điểm tin cậy” cho các nhà đầu tư, trung tâm trọng tài cần có vị thế độc lập với cơ quan nhà nước. Các trung tâm trọng tài lớn trên thế giới hiện nay là “phi chính phủ”, hoàn toàn độc lập với Nhà nước nơi có trụ sở và việc này là cần thiết để bảo đảm tính độc lập khi phán xét, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Dự thảo Nghị quyết đang theo hướng trung tâm trọng tài “thuộc TTTC” là chưa thể hiện tính độc lập cần thiết; nhà đầu tư quốc tế có thể nghi ngờ về tính độc lập của trung tâm trọng tài này và, một khi có sự nghi ngờ, họ không lựa chọn trung tâm để giải quyết tranh chấp. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết cần xem lại thuật ngữ “thuộc” nêu trên để tránh tạo ra sự nghi ngờ về tính độc lập của trung tâm trọng tài sẽ được thành lập.
Việc giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài trên cần có một khung pháp lý về thủ tục tố tụng và rất khó để một nghị quyết về TTTC quy định đầy đủ khung pháp lý này. Vì vậy, khả năng cao là sẽ “vay, mượn” khung pháp lý về thủ tục tố tụng đang có trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM). Tuy nhiên, việc dùng Luật TTTM như hiện trạng sẽ rất khó để trung tâm trọng tài “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” vì Luật TTTM đã được ban hành cách đây 15 năm và đang có rất nhiều hạn chế cho sự phát triển của trọng tài. Vì vậy, để trung tâm trọng tài hoạt động hiệu quả, Nghị quyết hay văn bản khác về TTTC cần khắc phục được những hạn chế hiện nay của Luật TTTM và sau đây là một số điểm cần lưu ý.
Cải thiện khung pháp lý
Dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép giải quyết “tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh” bằng trọng tài nhưng có nêu “trừ tranh chấp liên quan đến bất động sản tại Việt Nam” (khoản 2, điều 32). Khái niệm “liên quan đến bất động sản tại Việt Nam” này quá rộng và thực tiễn tại tòa án trong thời gian qua đã vô hiệu hóa thỏa thuận trọng tài đối với tranh chấp về thuê bất động sản ở Việt Nam, về mua bán cổ phần của công ty góp vốn bằng bất động sản thành lập một công ty khác. Việc loại trừ quá rộng nêu trên sẽ là rào cản cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn trọng tài vì sự lựa chọn của họ rất dễ bị vô hiệu hóa như tòa án đã làm trong thời gian qua. Do đó, nội dung loại trừ trên cần phải được thu hẹp lại nhiều nhất có thể và chỉ nên tập trung vào tranh chấp “về quyền đối với bất động sản tại Việt Nam” (tức về quyền sở hữu bất động sản, quyền hưởng dụng bất động sản, quyền bề mặt và quyền đối với bất động sản liền kề ở Việt Nam).
Trong tranh chấp đầu tư kinh doanh, các bên thường xuyên thương lượng hay tiến hành hòa giải trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán; thời gian cho việc này có thể kéo dài nhiều tháng nhưng Luật TTTM chưa có quy định theo hướng thời gian này không tính vào thời hiệu nên đang là một rào cản cho các nhà đầu tư vì khi họ chấm dứt thương lượng/hòa giải nhưng bất thành thì thời hiệu khởi kiện không còn. Do đó, Dự thảo Nghị quyết hay văn bản khác nên theo hướng thời gian trên được xem xét để không ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện như nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới đã làm.
Khi giải quyết tranh chấp, phải dựa vào căn cứ nào đó. Dự thảo Nghị quyết theo hướng “thông qua việc áp dụng pháp luật” như “pháp luật nước ngoài”, “pháp luật quốc tế” (khoản 2, điều 32). Việc chỉ cho phép trọng tài sử dụng “pháp luật” để giải quyết tranh chấp như vậy là cứng nhắc và chưa theo kịp thế giới. Rất nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới cho phép trọng tài không áp dụng “pháp luật” và thay vào đó là áp dụng “lẽ công bằng” khi các bên có thỏa thuận. Do đó, đây là điểm Dự thảo Nghị quyết hay văn bản khác nên cân nhắc bổ sung.
Việc hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam đang gây “hoang mang” và Dự thảo Nghị quyết đang tìm cách khắc phục với quy định mới, theo đó “Thỏa thuận của các bên trước hoặc sau khi có quyết định công nhận hòa giải thành hoặc phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính về việc loại trừ quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định công nhận kết quả hòa giải thành hoặc phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp luật; trong trường hợp này các bên tranh chấp mất quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định công nhận kết quả hòa giải thành hoặc phán quyết trọng tài” (khoản 5, điều 32).
Thực tế, khả năng thỏa thuận loại trừ quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại tòa án đã được luật hóa trong nhiều hệ thống pháp luật tiên tiến như Bỉ, Pháp hay Thụy Sỹ nên hướng tiếp cận như Dự thảo Nghị quyết là tiến bộ, cần được ủng hộ về mặt nguyên tắc vì một khi các nhà đầu tư lựa chọn trọng tài thì họ muốn tránh “văn hóa pháp đình”. Ở các nước vừa nêu, cơ chế này áp dụng cho trọng tài nói chung nên việc Dự thảo Nghị quyết chỉ dành cho “Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính” là cần xem xét lại.
Khi các bên không lựa chọn loại bỏ thẩm quyền của tòa án đối với việc hủy phán quyết trọng tài, tòa án vẫn có thẩm quyền. Trong bối cảnh đang tinh gọn bộ máy như tòa án chỉ còn có ba cấp là cấp khu vực (cấp thấp nhất), cấp tỉnh (cấp trung gian) và cấp tối cao (cấp cao nhất), dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân đề xuất giao cho tòa cấp khu vực giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Trong khi đó, Luật TTTM đang giao việc này cho tòa án cấp tỉnh. Việc chuyển từ tòa cấp tỉnh xuống tòa khu vực (cấp thấp nhất) cần xem lại vì tranh chấp được giải quyết tại trọng tài thường có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi thẩm phán phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về trọng tài (do những vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thường rất phức tạp), thủ tục tại tòa khu vực không phù hợp (là việc dân sự với một thẩm phán duy nhất)... Thụy Sỹ là một trong năm nước có hệ thống trọng tài được ưa chuộng nhất thế giới đã sửa luật (sau đó Áo làm theo) để nâng cấp tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài, đó là trao cho tòa án tối cao (cấp duy nhất); còn chúng ta đang theo hướng ngược lại (hạ từ cấp tỉnh xuống cấp thấp hơn). Sẽ là thuyết phục khi chúng ta vẫn giữ lại hướng như hiện nay là giao cho tòa án cấp tỉnh.
Việc hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam đang gây “hoang mang” một phần còn vì, khi tòa án ra quyết định (như hủy phán quyết trọng tài), Luật TTTM theo hướng quyết định của tòa án nhân dân tỉnh là cuối cùng, không thể bị phúc thẩm, giám đốc thẩm, nên đang tồn tại “nhiều án sai”, nhiều hướng giải quyết không thống nhất giữa các tòa án (đặc biệt là giữa tòa Hà Nội và tòa TPHCM). Đây là điểm không được nhìn nhận theo hướng tích cực trong con mắt nhà đầu tư vì cái sai tồn tại mà không thể được khắc phục là chúng ta không đảm bảo công lý. Nghị quyết hay văn bản khác nên tìm cách khắc phục nhược điểm này để đem lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Ba trong năm nước có hệ thống trọng tài được ưa chuộng nhất thế giới thuộc về châu Âu là Anh, Pháp, Thụy Sỹ, và trong cả ba nước này, tòa án tối cao có vai trò quyết định trong việc phát triển hệ thống trọng tài vì họ có quyền đưa ra hướng giải quyết khi xem xét việc hủy phán quyết trọng tài. Do đó, phương án cho phép giám đốc thẩm tại tòa án nhân dân tối cao đối với quyết định của tòa án địa phương về hủy phán quyết trọng tài là phương án cần ưu tiên.
Việc hủy phán quyết trọng tài không hiếm xảy ra và Luật TTTM còn nhược điểm nữa là buộc các bên quay sang tòa án để giải quyết tranh chấp khi không có thỏa thuận mới về trọng tài (rất khó có thỏa thuận mới ở giai đoạn này trong khi đó thỏa thuận trọng tài trước đây vẫn có hiệu lực). Xu hướng chung của thế giới là nếu thỏa thuận trọng tài trước đây không bị vô hiệu hay không thuộc trường hợp không thể thực hiện được, nó cần được tôn trọng, tức các bên được quyền quay lại trọng tài để giải quyết tranh chấp. Đây cũng là điểm Nghị quyết hay văn bản khác nên tìm cách khắc phục để đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, để hy vọng Việt Nam có thể “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”.
(*) Trường Đại học Luật TPHCM