Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Nghiên cứu thế mạnh, tạo khác biệt cho Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM cần nghiên cứu, tìm ra thế mạnh riêng của Việt Nam, tạo khác biệt so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới.
Chiều 13-1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia chính sách thu hút đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Tại đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM cần tập trung vào những điểm mạnh, khác biệt của Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất), Singapore có chính sách ưu đãi về thuế, nếu chúng ta cố gắng đưa ra mức thuế ưu đãi thấp hơn thì không thể tạo ra khác biệt cho Việt Nam.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, thế mạnh của Việt Nam là ở chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí giao dịch rất thấp so với các trung tâm tài chính hiện hữu. Chẳng hạn, ở Việt Nam chi phí thành lập một doanh nghiệp chỉ 5 triệu đồng, trong khi ở Singapore có thể lên tới 5.000 - 10.000 USD. Chi phí thuê văn phòng ở Việt Nam cũng rẻ hơn ở Dubai, Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo chuyên gia này, ở Singapore đa số các loại thuế là 0%, nhưng phí của họ rất cao, bất kỳ giao dịch nào cũng có phí, kể cả mở một tài khoản ngân hàng cũng phải ký quỹ số tiền khá lớn, trong khi ở Việt Nam là bằng 0.
“Đó là lợi thế chi phí giá rẻ. Đón “đại bàng” họ không quan tâm về giá rẻ, nhưng với những “con ong” thì họ quan tâm”, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói, đồng thời cho rằng thu hút các doanh nghiệp fintech thì đó là hướng đi riêng có của Việt Nam.
Cũng theo ông, nhiều quốc gia có chính sách đổi đất lấy hạ tầng, như tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) cho thuê đất tới 99 năm. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Việt Nam không nên làm như vậy, vì về lâu dài sẽ phụ thuộc vào khối ngoại, là rủi ro lớn của nền kinh tế. Ông nhấn mạnh chi phí giá rẻ và các ý tưởng mới sẽ là thế mạnh khác biệt của Việt Nam.
Góp ý cho các chính sách về Trung tâm tài chính, ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc pháp chế Momo cho rằng, các chính sách thu hút nhà đầu tư nên có sự phân chia các nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp. Theo ông có 3 nhóm, một là các định chế tài chính quốc tế vào hoạt động theo mô hình truyền thống. Hai là các fintech như momo, với các sản phẩm tài chính phái sinh, mong muốn chính sách mở, sandbox thử nghiệm. Ba là nhóm cung cấp giải pháp, hạ tầng cho các nhà đầu tư, họ quan tâm đến chính sách con người, kỹ thuật, nhập khẩu thiết bị…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đặt vấn đề, Trung tâm tài chính của chúng ta ra đời sau, nếu các sản phẩm cũng tương tự như các trung tâm khác trên thế giới thì có đủ sức hấp dẫn hay không, có đủ sức cạnh tranh hay không? Chẳng hạn Trung tâm tài chính Dubai ra đời sau, chỉ tập trung huy động vốn cho lĩnh vực hàng không.
“Phải chăng Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, cổ phần hóa, là miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư? TPHCM cũng cần huy động vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉ trong một năm mà 500.000 tỷ đồng, phải chăng đó là mảnh đất để chúng ta tìm những sản phẩm như thế hay không? Nếu tập trung cho một vài sản phẩm, xây dựng cơ chế chính sách cho vài sản phẩm sẽ dễ hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Tại hội thảo, ông Rich McClellan - Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Tony Blair (TBI) tại Việt Nam khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Các chuyên gia nước ngoài nêu các chính sách Việt Nam cần tập trung, như chính sách ưu đãi, truyền thông…
TS Trần Du Lịch đề xuất phát triển thị trường hàng hóa phái sinh. Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới nhưng chưa có thị trường hàng hóa phái sinh. Ông kỳ vọng TPHCM làm được thị trường này và có thể làm ngay.
Liên quan nhà đầu tư chiến lược, theo TS Trần Du Lịch, quan trọng nhất ở trung tâm tài chính là nhà đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng số, nếu không sẽ không có các fintech.
Chủ trì hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TPHCM, Đà Nẵng là sự kỳ vọng lớn lao không chỉ với sự phát triển của hai thành phố mà còn là động lực thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Viện Nghiên cứu phát triển và HFIC được giao tổ chức các hội thảo tham vấn chuyên gia về các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây. Do vậy, bản dự thảo cuối cùng phải hoàn tất trong tháng 3.