Xây dựng thế hệ làm điện ảnh chuyên nghiệp, vươn tầm quốc tế

Là địa phương có môi trường văn hóa đa dạng, hoạt động điện ảnh sôi động nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm điện ảnh của khu vực và quốc tế.

Màn hình LED được dựng lên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm chiếu phim cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa).

Màn hình LED được dựng lên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm chiếu phim cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa).

Hệ sinh thái điện ảnh thiếu và yếu

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất, phát hành phim và trên 800 doanh nghiệp điện ảnh. Đây cũng là nơi sở hữu đội ngũ nhà sản xuất, nhà làm phim tâm huyết, trẻ trung, năng động, luôn cập nhật xu hướng làm phim của điện ảnh thế giới, trong đó, có nhiều người được đào tạo ở nước ngoài.

Không chỉ là “đầu tàu” sản xuất, phát hành, TP Hồ Chí Minh còn là thị trường chiếu phim quan trọng khi sở hữu 56 cụm rạp, thu hút lực lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh cả nước nói chung, đưa Việt Nam lên vị trí đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng doanh thu phòng vé.

Mặc dù có nhiều tiềm năng song TP Hồ Chí Minh vẫn đối mặt không ít thách thức trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Theo Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thiện, các nhà làm phim độc lập thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tiếp cận thị trường quốc tế. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ lĩnh vực điện ảnh - bao gồm trường quay hiện đại, hệ thống hậu kỳ và dịch vụ kỹ thuật số chưa đáp ứng nhu cầu của các dự án phim lớn. Việc bảo vệ bản quyền và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phim, kìm hãm sự sáng tạo.

Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thế Hiệp cho rằng, hệ sinh thái cho điện ảnh TP Hồ Chí Minh còn thiếu và yếu. Về cơ sở hạ tầng, Thành phố chưa có phim trường quy mô, đúng chuẩn mà chỉ có các phim trường tư nhân nhỏ lẻ, được cải tạo từ nhà kho, nhà xưởng, chỉ phục vụ việc quay nội cảnh.

Lấy dẫn chứng từ chuyến thực tế tại Thượng Hải, theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, họ có sẵn phim trường và bối cảnh để quay cả nội và ngoại cảnh, xung quanh còn có nơi ở của các diễn viên phụ, diễn viên quần chúng để khi cần quay nhiều người là có ngay, còn tại Việt Nam phải chạy lòng vòng kiếm diễn viên, tốn thêm chi phí đi lại, ăn ở. Phim trường của họ có bối cảnh là cả thành phố với hệ thống nhà cửa, trường học, bệnh viện nên đoàn phim đỡ mất công di chuyển hay tốn tiền lưu trú.

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, công nghiệp văn hóa tại Thành phố, đặc biệt là điện ảnh đang đối mặt nhiều khó khăn khi lực lượng lao động trong ngành còn thiếu đồng bộ về kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức vận hành các mô hình tổ chức, kinh doanh mới. Mặt khác, công nghệ số hóa mặc dù rất quan trọng nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi trong điện ảnh, khiến tiềm năng ngành chưa được khai thác tối đa. Tuy có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh theo Luật Điện ảnh nhưng chính sách này chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong việc phân cấp cho các địa phương và chưa chú trọng đúng mức đến đối tượng thụ hưởng.

“Mặc dù có nhiều bứt phá nhưng điện ảnh TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể coi là ngành công nghiệp phát triển. Cần nhìn nhận điện ảnh như một sản phẩm được đầu tư, vận hành chuyên nghiệp và quảng bá rộng rãi, từ đó, xây dựng nền công nghiệp văn hóa thực thụ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nói.

Tạo không gian xứng tầm cho các nhà làm phim

Giới chuyên môn cho rằng, muốn điện ảnh TP Hồ Chí Minh phát triển đúng hướng, đồng thời trở thành “thành phố điện ảnh”, bên cạnh việc huy động nguồn vốn, nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện làm phim, hoàn thiện cơ chế luật pháp, thủ tục hành chính, kiểm duyệt, tổ chức thường niên các Liên hoan phim quốc tế... ngành điện ảnh Thành phố cần chú trọng vào khâu cốt lõi nhất là phát triển nguồn nhân lực.

Theo đạo diễn Nhất Trung, TP Hồ Chí Minh hiện là đầu tàu của ngành điện ảnh cả nước. Nơi đây trở thành thị trường phát triển tốt nhất cho điện ảnh Việt nói riêng và các ngành giải trí nói chung. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng quốc tế.

“Để trở thành một thành phố điện ảnh, cần có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong mọi câu chuyện phát triển, con người vẫn là vấn đề then chốt nhất. Mặc dù TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa phải là môi trường lý tưởng”, đạo diễn Nhất Trung chia sẻ.

Tương tự, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng, điện ảnh xuất phát từ con người nên chính sách phát triển cũng cần dựa trên con người. Đạo diễn lấy dẫn chứng, Hàn Quốc có “thế hệ vàng” làm phim nhờ họ đầu tư cho con người từ sớm, cho nhân tài đi du học để về phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Do đó, một bộ phim hay hay dở không phụ thuộc vào câu chuyện cơ sở vật chất hay chính sách mà phụ thuộc vào con người đầu tiên. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng đề xuất nên tài trợ cho các nhà làm phim được đi ra nước ngoài học hỏi chuyên sâu, tham dự chương trình, chợ phim, Liên hoan phim, hội thảo để tăng cường kết nối với quốc tế, nâng cao tầm nhìn sản xuất và sáng tạo.

Theo Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), trong đó TP Hồ Chí Minh đề xuất năm 2025 trở thành Thành phố sáng tạo về điện ảnh.

Vì vậy, Thành phố cần sớm xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ ứng cử UCCN, qua đó tạo sự cam kết, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực điện ảnh bằng những sáng kiến và kế hoạch hành động cụ thể. Nội dung chính bao gồm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh. Cần có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt trên lĩnh vực điện ảnh từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh... để từ đó xây dựng nên các thế hệ làm điện ảnh chuyên nghiệp, đáp ứng và cạnh tranh với thị trường điện ảnh thế giới.

Bài và ảnh: Thu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/xay-dung-the-he-lam-dien-anh-chuyen-nghiep-vuon-tam-quoc-te-20241218161029242.htm
Zalo