Xây dựng pháp luật phải tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Ngày 22-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5 nhằm xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng liên quan các dự án luật, đề nghị xây dựng luật và phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5
Phiên họp xem xét, cho ý kiến về 7 nội dung, trong đó có 6 nội dung về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật gồm: Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); Luật Dân số; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Cùng với đó, Chính phủ nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định liên quan đến phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 197, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140 để kịp thời triển khai, đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá, với tư duy thể chế, pháp luật vừa là nguồn lực, động lực của sự phát triển, công tác xây dựng thể chế, pháp luật được đổi mới theo hướng thay đổi tư duy từ tập trung vào quản lý, không quản được thì cấm sang kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi luật được thực hiện theo tinh thần "6 rõ", trả lời rõ vì sao: những nội dung kế thừa, lược bỏ; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Cùng với đó, xây dựng các luật mới cũng phải trên tinh thần "7 rõ": đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào; những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì; những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp; những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì; việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào; việc phân cấp, phân quyền như thế nào; các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "cái gì đã chín đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình, ủng hộ" thì luật hóa, áp dụng vào thực tiễn; những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.