Xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa 'xé rào'
Nhấn mạnh phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa 'xé rào', đại biểu Quốc hội cho rằng, luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước.
Chiều 1/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) bày tỏ đồng tình với một số đại biểu là cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ dám làm cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác.
Luật vướng mắc mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân
Nhắc đến Nghị định 73/2023 về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, đại biểu đồng tình khi nghị định đã bỏ đoạn “đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn” khi còn dự thảo.
Theo đại biểu, chúng ta đang xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, thượng tôn pháp luật, không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.
“Phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật. Không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý đến phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc giơ cao, đánh khẽ”, đại biểu trăn trở nhắc lại phát biểu đã từng nói.
Việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 là cơ sở để sửa đổi bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu thực tiễn luôn biến động; chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao…. những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua Quốc hội 1 luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ 1 hoặc 1 vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong 1 kỳ họp.
Theo đại biểu tỉnh Tây Ninh, với cách làm này luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước.
“Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.
Thể chế tốt, tiền sẽ đẻ ra tiền
Phát biểu vào buổi sáng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền bạc là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. “Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.
Vì vậy, theo ông Lộc, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua.
Đại biểu nhấn mạnh, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế”, đại biểu TP Hà Nội gợi mở.
Trong đó, cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó yêu cầu phải luật hóa các quy định về vấn đề này.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nhiệm vụ cấp bách là giải quyết tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá.
Ông Lộc nhận định, đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội chưa từng có, trong đó đã triển khai xây dựng được các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đối với các cường quốc lớn.
“Hoạt động đối ngoại được mùa lớn, các kết quả của hoạt động đối ngoại trong thời gian qua đã là một minh chứng khẳng định sự tôn trọng của các nước lớn và của cộng đồng quốc tế đối với vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy tín cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Điều đó đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để có thể trở thành một trung tâm, một nơi đối thoại của các đối thoại hòa bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới.
Không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ và kể cả an sinh xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ quá trình này.
“Chúng ta sẽ có cơ hội phát triển bứt phá trong thời gian tới. Chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội này hay không tùy thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.