Xây dựng nông thôn mới và bài học kinh nghiệm từ cấp cơ sở ở Yên Bái (Bài 2)
Xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái gắn với mục tiêu 'xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc' đã mang đến diện mạo hoàn toàn mới và khác biệt. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm sâu sắc được đúc rút từ chính những người trong cuộc.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể
Chỉ trong vòng 2 năm (2021 - 2023), xã Tân Hợp, huyện Văn Yên từ một xã nông thôn mới trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Đây là sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn.
Để làm rõ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tân Hợp - ông Lưu Hồng Minh cho hay: “Với sự đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Tân Hợp, sự ủng hộ của lãnh đạo huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và được công nhận trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 11/2023”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, xã Tân Hợp có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm đa số, nhưng được cấp trên hỗ trợ xây những tuyến đường giao thông chính, điện thắp sáng được đưa tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa của xã Tân Hợp, đặc biệt là thôn Hạnh Phúc và thôn Làng Câu.
Với 2 tiêu chí này, chính quyền địa phương đã vận động bà con nhân dân hiến đất làm đường, dịch cổng, rào để mở rộng đường giao thông nông thôn, cắm cột điện và đã được bà con hoàn toàn nhất trí, đồng ý để thực hiện. Qua đó, nhà nước thực hiện việc đầu tư điện và giao thông.
Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho rằng: “Giao thông nông thôn rất quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trung bình mỗi năm xã Tân Hợp hoàn thành được khoảng 12km đường bê tông giao thông nông thôn. Những thôn đặc biệt khó khăn thì được hỗ trợ xi măng, cát sỏi, đối với thôn khác thì chỉ hỗ trợ xi măng”.
Với việc hỗ trợ này, địa phương và người dân phải chủ động các vật liệu khác, công sức… để hoàn thành được đường giao thông. Qua đó, 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hợp đều bê tông hóa, thậm chí đường sản xuất của người dân cũng bê tông lên tận chân đồi để tiện cho việc đi lại, chở hàng hóa.
Xã Tân Hợp thu nhập có thu nhập bình quân đầu người là tiêu chí đặc biệt quan trọng, nhất là những thôn khó khăn thì lại là vấn đề đáng được quan tâm. Tuy nhiên, đối với thôn Làng Câu, dù là thôn vùng sâu, vùng xa nhưng thu nhập lại cao, lên đến 67 triệu đồng/người/năm mà lại chủ yếu về trồng rừng, trồng quế. Đây là vùng có nhiều quế với diện tích khá lớn.
Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, trước đây, ở xã Tân Hợp có quế nhưng bán chủ yếu cho các đại lý và lái buôn, nhưng giờ đây, ngay tại Làng Câu cũng đã có cơ sở sơ chế quế nhằm tăng thu nhập và giá thu mua cho bà con cũng được tăng lên, từ đó thu nhập cũng tăng cao hơn so với trước. Có thể thấy việc thu hút các nhà đầu tư đến địa phương xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông sản cũng quan trọng không kém các tiêu chí về xây dựng giao thông nông thôn, vừa giúp nâng cao giá trị sản phẩm, sản lượng tăng cao và thu nhập của người dân cũng được nâng cao hơn.
Ngoài trồng quế, người dân cũng có phát triển chăn nuôi và xây dựng sản phẩm OCOP là sản phẩm trà giảo cổ lam. Trên địa bàn xã Tân Hợp, có tổng số 1.237 hộ gia đình với thu nhập bình quân đầu người là 60,5 triệu đồng/người/năm.
Sau 3 năm khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sau 1 năm hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm trên địa bàn xã Tân Hợp có sự thay đổi lớn thúc đẩy giao thương phát triển.
Để đạt được điều đó, phải được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Văn Yên, lãnh đạo xã Tân Hợp, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, công chức xã và sự vào cuộc, đồng lòng của Nhân dân. Nếu Nhân dân không đồng lòng, ủng hộ thì khó thành công, bởi Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là đối tượng được thụ hưởng.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận là đặc biệt quan trọng nhất là trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, phải gỡ bỏ những mâu thuẫn ngay từ khi phát hiện tránh những vấn đề không đáng có, nhất là tranh chấp về đất đai. Hay công tác tuyên truyền, vận động người dân cho con đi học cũng khó khăn không kém, phải cho bà con người dân thấy được mặt tích cực, điều thấy được khi cho con em đi học...
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Là địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Lục Yên, xã Vĩnh Lạc đã có những đổi thay từ giao thông nông thôn đến thu nhập của bà con và tư duy mới về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Để đạt được những tiêu chí về nông thôn mới đã khó, việc đạt các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao cũng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng và nan giải. Trên địa bàn xã Vĩnh Lạc, đường giao thông bê tông hóa được phủ rộng khắp các thôn, bản, ngõ xóm với tỷ lệ 100%. Đường giao thông ngõ xóm cũng đạt được trên 70% được xây bằng bê tông cùng với hàng cây hoa bên đường đẹp và đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp.
Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chủ yếu như trồng lúa, ngô, khoai, dưa hấu… trồng rừng, chế tác đá. thu nhập bình quân đầu người khoảng 54,6 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc (Lục Yên, Yên Bái) - ông Nông Đình Đoạn cho hay: “Sau khi rà soát các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, chúng tôi xác định các tiêu chí nào sẽ đảm bảo, những tiêu chí nào thấp, chưa đảm bảo thì cần tập trung cao độ hơn để đảm bảo như tiêu chí thu nhập, tiêu chí an ninh trật tự, tiêu chí môi trường…”.
Từ các tiêu chí đó, chúng tôi đã cùng với các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, bà con Nhân dân trước hết là biết, sau là cùng thực hiện các công việc nhằm đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc, nội dung quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là sự đồng tình của người dân, mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải là của Nhân dân nhằm đưa cuộc sống người dân từng bước được nâng cao.
Việc quan tâm, hướng dẫn tạo điều kiện của lãnh đạo huyện Lục Yên, các phòng ban trong việc xây dựng nông thôn mới cũng quan trọng không kém. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết Nhân dân, của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương là chìa khóa dẫn tới thành công trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Lạc. Những tiêu chí nào khó, chưa đạt phải tìm hướng để giải quyết, hỏi các địa phương đã đạt tiêu chí, hỏi cán bộ phụ trách cấp huyện, cấp tỉnh để hướng dẫn thực hiện.
Xã Vĩnh Lạc đang tiếp tục giữ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong năm tới, địa phương đang phấn đấu hoàn thành về đích các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.