Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị - hành trình không có điểm dừng

Quảng Trị tiếp tục triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả.

Quảng Trị áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Quảng Trị áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tạo nên nhiều “miền quê đáng sống”

Năm 2020, Thủ tướng công nhận huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên được công nhận đạt chuẩn, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trong toàn tỉnh Quảng Trị.

Có thể khẳng định, nông thôn mới đã mang đến diện mạo rất khác, thay đổi bộ mặt thôn quê theo chiều hướng ngày càng khởi sắc hơn. Đồng thời, tạo nên nhiều “miền quê đáng sống”.

Huyện Cam Lộ hiện có tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cao nhất tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là địa phương mà phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa khắp các địa phương, đổi thay từng đường làng, ngõ xóm.

Về các xã của huyện Cam Lộ, đi sâu vào các con ngõ, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường được phủ nhựa và bê tông rộng rãi, sạch sẽ nơi đây. Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Cuộc sống người dân thực sự đang “thay da, đổi thịt”. Để có được những thành quả này, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ đã trải qua nhiều năm nỗ lực không ngừng.

 Xây dựng Nông thôn mới mang đến diện mạo khởi sắc cho các làng quê huyện Cam Lộ.

Xây dựng Nông thôn mới mang đến diện mạo khởi sắc cho các làng quê huyện Cam Lộ.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trong 7 xã của huyện thì đã có 6 xã (Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Thủy, Thanh An) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ còn xã Cam Tuyền đang ở mức xã nông thôn mới.

Những năm qua, huyện Cam Lộ đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được phát huy tối đa. Nhiều người dân đã sẵn sàng hiến đất, tài sản và đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng nông thôn mới.

Người dân các xã trong huyện cũng đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất.

Ngoài ra, người dân cũng đã ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Tỉnh Quảng Trị có 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao; trong đó có sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, huyện Cam Lộ.

Đến nay, huyện Cam Lộ cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Địa phương đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định và công nhận.

Tại phiên làm việc với huyện Cam Lộ cuối năm 2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị huyện Cam Lộ tiếp tục bám sát sự điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính gắn với chương trình phát triển KT-XH địa phương.

Xác định rõ, đề ra những giải pháp căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp mới, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tận dụng tối đa những tiềm năng, dư địa về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực, phát huy được sức dân để xây dựng huyện sớm trở thành trung tâm dược liệu và là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh.

Hành trình không có điểm dừng

Tỉnh Quảng Trị hiện có 3 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, gồm Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong... Đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã có 76/101 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 75,2%).

Trong đó, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong.

Đặc biệt, có 8 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới; có 128 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã huy động trên 14,8 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM.

 Đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã có 76/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã có 76/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2025, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu cơ bản, là tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; môi trường sinh thái được bảo vệ, cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2021-2025.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho hay, những thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương bắt nguồn từ sự đoàn kết, quyết tâm của chính quyền và người dân.

Việc xây dựng và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không phải dừng lại ở vạch đích, không có điểm dừng, mà là "bàn đạp" để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh...

Để phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về nội dung, ý nghĩa và nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.

Quảng Trị cũng đề nghị, các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn hợp nhất các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ từ trung ương đến địa phương để thuận lợi cho công tác theo dõi, báo cáo định kỳ.

Đăng Đức

Tiến Nhất

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-quang-tri-hanh-trinh-khong-co-diem-dung-post717123.html
Zalo