Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Bài 6

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, Nhân dân Trà Vinh cùng Nhân dân cả nước chiến đấu ngoan cường, giành thắng lợi. Trong hòa bình, Nhân dân Trà Vinh tiếp tục chiến thắng nghèo, lạc hậu. Đồng bào các dân tộc của Trà Vinh đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025. Trong quá trình thực hiện, đã hình thành những mô hình hay, tiếp tục nhân rộng để nâng cao các tiêu chí NTM.

Bài 6: Hình thành những mô hình hay

XEM BÀI 1XEM BÀI 2XEM BÀI 3XEM BÀI 4XEM BÀI 5

Đường hoa ấp Đức Mỹ, xã NTM Đức Mỹ, huyện Càng Long.

Đường hoa ấp Đức Mỹ, xã NTM Đức Mỹ, huyện Càng Long.

Với phương châm “XDNTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” cả hệ thống chính trị vào cuộc; xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện XDNTM. Từ đó, các ngành, các cấp chủ động tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng. Qua gần 15 năm thực hiện XDNTM, bên cạnh những kết quả đạt được đã tạo nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo được các địa phương, đơn vị, đoàn thể áp dụng hiệu quả. Đây thật sự là những điểm sáng để nhân rộng toàn tỉnh, góp phần tiếp tục thực hiện XDNTM đạt hiệu quả cao nhất.

“Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” là một trong những mô hình tiêu biểu, nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 29/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 55-KH/TU về xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Qua triển khai, đảng viên xây dựng kế hoạch thực hiện đạt trên 98%. Toàn tỉnh có 2.713 điểm mô hình chia theo 05 nhóm: Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính; tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; thực hành tiết kiệm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Nhờ tham gia hiệu quả mô hình, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 8,25%; thu nhập bình quân đạt 81,75 triệu đồng/người/năm; năm 2024, đạt 10,04%; xếp thứ 08 trong cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long; bình quân thu nhập đầu người đạt 94,368 triệu đồng/người/năm.

Từ mô hình “Đồng hành cùng người nghèo”, các địa phương trong tỉnh đã giúp đỡ người nghèo, nổi bật như: Hùn vốn phát triển kinh tế gia đình, tiết kiệm nuôi heo đất; hũ gạo tình thương, nhân đạo từ thiện chia sẻ yêu thương, nhân văn, thể hiện rõ “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”. Mô hình chính là học tập, làm theo tư tưởng của Bác về đạo lý “Nhường cơm sẻ áo tương trợ nhau cùng phát triển”; hay mô hình “Tổ hùn vốn mua bảo hiểm y tế” và “bảo hiểm xã hội tự nguyện” được cán bộ, hội viên đồng tình hưởng ứng tích cực... thông qua những mô hình, đã góp phần giảm khó khăn, thực hiện an sinh xã hội.

XDNTM không thể thiếu “Khu dân cư gắn với cơ sở tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mô hình được triển khai xây dựng tại 11 cơ sở thờ tự. Qua đó, Ban Chủ nhiệm các mô hình đã phối hợp tổ chức gần 2.500 cuộc tuyên truyền, có khoảng 150.000 lượt tín đồ, Phật tử của các tôn giáo và người dân ở khu dân cư; vận động các hộ gia đình, hộ chăn nuôi và người sản xuất, kinh doanh cam kết bảo vệ môi trường và không vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, đạt từ 95 - 100%; tổ chức gần 200 cuộc ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, có hơn 5.000 lực lượng tham gia; trồng hơn 20.000 cây xanh và hoa, kiểng các loại; xây dựng nhiều tuyến đường hoa và tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Những “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa” đã lan tỏa rộng khắp, mô hình được 09/09 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện, hiện có 122 “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”. Các chi, tổ hội đoàn thể hàng tháng hoặc 03 tháng bán phế liệu trong “Ngôi nhà” lấy tiền mua bảo hiểm y tế, tặng quà cho phụ nữ khó khăn. Hàng năm, phế liệu thu bình quân 10 tấn các loại, bán gần 50 triệu đồng, hỗ trợ gần 300 trường hợp phụ nữ khó khăn và trẻ mồ côi.

Đầu tư xây dựng tuyến kè ấp cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.

Đầu tư xây dựng tuyến kè ấp cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.

XDNTM đòi hỏi nông thôn phải bình an, nên mô hình “Ba tốt, ba giảm” trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng nhân rộng. Hiện có 06 câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Qua thực hiện mô hình, tình hình vi phạm pháp luật giảm đáng kể, góp phần tích cực, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Mô hình gẫn gũi, dễ làm, dễ nhớ, “ba tốt” (dân vận tốt; giáo dục, cảm hóa đối tượng tốt; hòa giải ở cơ sở tốt). Từ đó, các thành viên trong câu lạc bộ (các ngành, đoàn thể) tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh trật tự; thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội… tổ chức 1.073 cuộc, có 29.797 lượt người dự. Qua đó, Nhân dân đã cung cấp 78 tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự. Hòa giải kịp thời 42 vụ tranh chấp, khiếu nại, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Qua thực hiện công tác hòa giải, số vụ tranh chấp, khiếu nại, mâu thuẫn giảm từng năm.

Kết quả thực hiện “Ba giảm” (giảm cờ bạc, giảm trộm cắp và giảm tệ nạn ma túy) cũng phát huy hiệu quả. Thành viên các câu lạc bộ thường xuyên nắm tình hình và báo cáo lực lượng Công an tổ chức xử lý các vụ đánh bạc, xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm và hoàn thành hồ sơ xử lý đúng theo quy định; từ đó tình hình hoạt động của tệ nạn cờ bạc trên địa bàn được kéo giảm so với trước; tệ nạn về ma túy hiện nay trên các địa bàn tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm so với những năm trước.

Từ những kết quả đạt được, qua khảo sát, đánh giá, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an đã công nhận mô hình “3 tốt, 3 giảm” được điển hình hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thông báo nhân rộng toàn quốc.

Nổi bật về lĩnh vực kinh tế là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ. Là tỉnh có diện tích cây dừa khá cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (thứ 2 sau tỉnh Bến Tre). Tổng diện tích dừa hiện có khoảng 27.380ha, với hơn 6,96 triệu cây dừa, tập trung nhiều nhất ở Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè). Trong đó, diện tích dừa cho trái 23.541ha (chiếm 82,2% diện tích trồng), năng suất bình quân 16,67 tấn/ha, sản lượng 382.500 tấn/năm, tương đương 444 triệu quả.

Nhằm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ theo chuỗi liên kết theo Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh…

Toàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (01 trong tỉnh; 06 ngoài tỉnh, chủ yếu Bến Tre) đến xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 5.276,32ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA (Tiểu Cần 2.311ha, Càng Long 1.774,42ha, Châu Thành 902ha) và 1.489ha đang đợi Tổ chức Control Union đánh giá chứng nhận (Càng Long 940ha, Châu Thành 265ha, thành phố Trà Vinh 284ha) với giá mua cao hơn thị trường từ 10-15%, chiếm 19,3% diện tích dừa toàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi-co-diem-khoi-dau-khong-co-diem-ket-thuc-bai-6-45247.html
Zalo