Xây dựng những mô hình du lịch đặc trưng
Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch trên các lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái rừng, hồ, du lịch khám phá các di tích văn hóa, lịch sử…, huyện Vĩnh Cửu đang nỗ lực phối hợp cùng các đơn vị, cơ quan chức năng khai thác tối đa những lợi thế.

Điểm du lịch sinh thái ven hồ Trị An. Ảnh: N.Liên
Trên cơ sở các đề án, kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch đã được tỉnh phê duyệt, cùng với chiến lược phát triển du lịch của địa phương, bức tranh du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đang dần hình thành những điểm đến thu hút khách du lịch.
Phát triển các dự án du lịch đặc trưng
Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có một số dự án du lịch đang triển khai như: Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 (Đề án DLST); sản phẩm du lịch cộng đồng Làng Văn hóa - du lịch Tân Triều tại xã Tân Bình và các điểm đến du lịch sinh thái vườn, ven hồ do người dân khai thác.
Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, theo Đề án DLST, hiện khu vực ven hồ Trị An và các đảo trên hồ được quy hoạch 17 điểm du lịch với diện tích gần 4,7 ngàn hécta. Định hướng các loại hình du lịch gồm: sinh thái khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng; trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí trên mặt nước hồ Trị An; du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ cung cấp các sản phẩm địa phương và các loại hình du lịch, dịch vụ khác phù hợp trong khu vực. Dự án thu hút 12 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký đầu tư khai thác sản phẩm du lịch ven hồ Trị An.
Nhằm quảng bá hình ảnh và mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án du lịch, thời gian qua, khu bảo tồn đã phối hợp Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cùng huyện Vĩnh Cửu, các doanh nghiệp tổ chức thành công các sự kiện thể thao, thu hút sự quan tâm của du khách.
Anh Trần Hữu Thiết, khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khoảng 2 năm gần đây, gia đình anh thường xuyên về khu vực ven hồ Trị An vào dịp cuối tuần để thay đổi không khí sau một tuần làm việc, học hành áp lực. Anh Thiết chia sẻ: “Hồ Trị An có vẻ đẹp tự nhiên ở mọi thời khắc trong ngày. Gia đình tôi thường đến hồ Trị An vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh về hồ Trị An cũng không quá xa, đủ để cả gia đình tự lái xe đi vào dịp cuối tuần. Tôi hy vọng thời gian tới, hồ Trị An sẽ có nhiều điểm đến đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Vĩnh Cửu đạt trên 86 ngàn. Thời gian qua, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong chấp hành bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương
Cùng với các điểm đến ở khu vực hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu còn có các mô hình du lịch đặc trưng, thu hút du khách như: mô hình Du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng khám phá văn hóa, ẩm thực, nông nghiệp tại địa phương.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024, tổng diện tích quy hoạch trên địa bàn tỉnh cho phát triển du lịch khoảng 11 ngàn hécta, trong đó quy hoạch du lịch huyện Vĩnh Cửu trên 1,2 ngàn hécta. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng các tuyến giao thông mới để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh đã nâng cấp, mở rộng hương lộ 9 dẫn vào điểm du lịch Làng bưởi Tân Triều với vốn đầu tư khoảng 143 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường tỉnh 768 đoạn từ cầu Thủ Biên đến thị trấn Vĩnh An. Về trùng tu, tôn tạo di tích, tỉnh đã triển khai trùng tu, tôn tạo Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Di tích địa đạo Suối Linh...
Chia sẻ về hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, khu bảo tồn đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án DLST, trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận cho ký kết thuê môi trường rừng để đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái rừng chất lượng cao. Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn hoàn chỉnh hồ sơ trình hội đồng thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và trình phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật Dự án Xây dựng biểu trưng Chiến khu Đ, đồng thời thực hiện các quy trình khoanh vùng và công nhận di tích cấp tỉnh một số địa điểm; hoàn thành Dự án Tu sửa cấp thiết 4 miệng địa đạo Suối Linh; sửa chữa một số hạng mục tại các di tích theo dự toán kinh phí sự nghiệp văn hóa. Ngoài ra, khu bảo tồn sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá du lịch trên trang mạng xã hội, website, các phương tiện thông tin đại chúng.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh, ngoài việc hỗ trợ địa phương tiếp tục tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư tham gia Đề án DLST, sở sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với huyện và các đơn vị liên quan thực hiện các bước để triển khai xây dựng Làng Văn hóa - du lịch Tân Triều; cùng tham gia các dự án tôn tạo di tích, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.