Xây dựng nhà ở xã hội vẫn 'ngổn ngang' khó khăn và vướng mắc

Tại Talkshow 'Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực' vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong việc thực hiện dự án nhà ở xã hội như mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi, lãi suất còn cao người thu nhập thấp khó có thể chi trả được, đặc biệt là mức lợi nhuận làm nhà ở xã hội không hấp dẫn.

Nhà ở xã hội được quan tâm nhất hiện nay

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, chưa bao giờ nhà ở xã hội được đề cập một cách thường xuyên và được sự quan tâm rất lớn của xã hội như hiện nay. Chính sách về nhà ở xã hội là chính sách tốt nhất mà chúng ta đã xây dựng cho đến thời điểm hiện nay.

Với những kết luận của Bộ Chính trị sau đó được Chính phủ ban hành thành Chương trình tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội, chính sách và hành động thực tế đã mang tới niềm tin rằng người thu nhập thấp sẽ sớm tiếp cận được nhà ở xã hội thông qua chương trình mục tiêu.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, đây là những chương trình rất nhân văn, chạm đến trái tim người Việt, chạm đến những điều chúng ta mơ ước. Mơ ước là an cư lập nghiệp. Mơ ước tiếp cận nhà ở theo đúng Hiến pháp đặt ra.

Các đại biểu tham gia Talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”. Ảnh: Thoa Nguyễn

Các đại biểu tham gia Talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”. Ảnh: Thoa Nguyễn

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước, chương trình mới triển khai thực hiện được 10%, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh chưa đến 2%. Như vậy, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng với đó là quyết tâm nữa là xóa nhà tranh tre, nhà tạm, nhà dột nát.

Đồng tình với ý kiến này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: “Nhà ở xã hội là một sản phẩm mà Chính phủ mong muốn phát triển dành riêng cho nhóm đối tượng là những người có thu nhập thấp”.

Theo ông Hiếu, quy định của pháp luật hiện nay đã hạ thấp điều kiện để người dân có thể tiếp cận gần hơn với giấc mơ nhà ở xã hội. Tức là mở rộng đối tượng đối với những người có thu nhập hạn chế có thêm cơ hội tiếp cận nguồn cung cấp nhà ở xã hội. Còn doanh nghiệp thì có 2 lựa chọn là xây nhà ở thương mại thông thường hoặc nhà ở xã hội.

"Cá nhân tôi đánh giá xây dựng nhà ở xã hội khó hơn là lựa chọn phân khúc nhà ở thương mại, bởi lựa chọn phân khúc này là sự san sẻ với xã hội. Tập đoàn Hoàng Quân cũng giống như nhiều đơn vị khác, có nhiều sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm nhà ở xã hội hơn. Một trong những cách đó là tạo ra từ thiết kế xây dựng tạo thêm nguồn nhiều nguồn vốn từ các ngân hàng”, ông Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, thực tế với thu nhập thấp thì khó có thể tiếp cận mua nhà hay có một chỗ ở như những người dân khác.

Lợi nhuận làm nhà ở xã hội không hấp dẫn

Chia sẻ về những vướng mắc về việc thực hiện nhà ở xã hội, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, “điểm nghẽn” trong thực hiện nhà ở xã hội hiện nay cần tháo gỡ là vấn đề lãi suất.

“Đối với khách hàng mua nhà ở xã hội là những người ít có khả năng chi trả những chi phí vay bằng đồng lương. Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn đất”, ông Đính lý giải.

Bên cạnh đó, vấn đề ứng xử của chính quyền cần phải được đẩy mạnh hơn, nhất là chính quyền địa phương nơi các doanh nghiệp tiếp cận vẫn bị rào cản. “Cùng với đó, những quy định, quy trình hướng dẫn thực hiện vẫn lúng túng nên đến lúc này thực trạng thực thi của luật tại một số địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc”, ông Đính cho hay.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, triển khai thực hiện trong thực tế vẫn còn có nhiều băn khoăn như về lãi suất quy định cho người mua nhà ở xã hội hiện cao hơn lãi suất thương mại thông thường mà các ngành thương mại đang cho vay ngắn hạn.

“Chúng tôi cũng mong muốn ngân hàng chính sách xã hội có thể xem xét lại để khách hàng mua nhà có thể tiếp cận chính sách này tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Châu đề nghị.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, chương trình nhà ở xã hội hiện còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi.

Hiện nay, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, quy trình, thủ tục triển khai nhà ở xã hội còn phức tạp. Trong khi đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng là một vướng mắc lớn. Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các “gói hỗ trợ” ngắn và trung hạn, do đó chỉ mang tính thời điểm và không bền vững; và gần như chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền. Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, quỹ đất: có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương.

Một vướng mắc khác mà TS. Cấn Văn Lực đưa ra đó là giới hạn về lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội ở mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội. Đây không phải là mức lợi nhuận hấp dẫn.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác khiến cho việc triển khai dự án nhà ở xã hội “rất khiêm tốn” đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra phức tạp, các dự án phải tuân thủ quy định khá phức tạp và nhiều trường hợp chưa thống nhất cách hiểu giữa các địa phương nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để tháo điểm nghẽn cho các dự án nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị các địa phương cần chủ động xây dựng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; rà soát, thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch quỹ đất, chất lượng công trình dành cho nhà ở xã hội.

"Đối với các dự án nhà ở xã hội còn vướng mắc trên địa bàn cần rà soát để kịp thời tháo gỡ, cho phép chuyển đổi công năng 1 số dự án phù hợp (nếu được) để chống lãng phí. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ của riêng của địa phương, phù hợp với đặc thù của địa phương để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn…", TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Diệp Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/xay-dung-nha-o-xa-hoi-van-ngon-ngang-kho-khan-va-vuong-mac.html
Zalo