Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Đột phá để vươn mình

Thông điệp trong bài viết 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình' của Tổng Bí thư Tô Lâm là lời hiệu triệu mạnh mẽ, truyền cảm hứng về sứ mệnh đổi mới thể chế, pháp luật, đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự kiên định, bản lĩnh và khát vọng lớn lao. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự kiên định, bản lĩnh và khát vọng lớn lao. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư không chỉ nhìn nhận thể chế, pháp luật như một công cụ quản lý, mà đề cao nó như một “đột phá của đột phá”, một lực đẩy chiến lược để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng con người và kiến tạo nền tảng cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với bộ máy hành chính ngày càng tinh gọn, các đơn vị hành chính đang được sắp xếp lại, với mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao thì thông điệp của Tổng Bí thư thực sự mang tính dẫn đường. Đó là lời khẳng định nếu không có một thể chế vững vàng, pháp luật tiên tiến, nếu không xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật, thì mọi khát vọng phát triển sẽ khó trở thành hiện thực.

Tôi đồng tình với quan điểm nhấn mạnh “xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật” như một chuẩn mực ứng xử, bởi đó là thước đo của một xã hội văn minh. Khi pháp luật trở thành niềm tin chung, mỗi người dân đều sống và hành động trong khuôn khổ pháp luật thì đó là lúc đất nước có được nội lực mạnh mẽ nhất để vươn lên.

Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ là một định hướng chiến lược cho hệ thống chính trị, mà còn là lời kêu gọi toàn dân cùng nhau làm nên một Việt Nam pháp quyền, hiện đại, hiệu quả, nơi không ai đứng ngoài cuộc phát triển. Với tinh thần đó, tôi tin rằng thể chế và pháp luật sẽ thực sự trở thành “hạ tầng mềm” dẫn lối cho sự hùng cường của đất nước trong tương lai.

Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự kiên định, bản lĩnh và khát vọng lớn lao. Tổng Bí thư đã chỉ ra rất rõ những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, không né tránh, không lấp lửng mà đối diện một cách thẳng thắn, đầy trách nhiệm.

Để vượt qua những thách thức, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật; từ bỏ dứt khoát kiểu tư duy “quản không được thì cấm”, thay vào đó là tư duy phục vụ, tạo thuận lợi, khuyến khích sáng tạo. Xây dựng luật phải đứng trên nền thực tiễn, thấm sâu vào cuộc sống, và phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật bằng cách xác lập rõ trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Phải đầu tư xây dựng văn hóa pháp quyền một cách bài bản, từ giáo dục phổ thông đến truyền thông đại chúng, từ đạo đức công vụ đến hành vi xã hội. Cần lan tỏa tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật bằng sự đồng thuận, tự giác và niềm tin.

Việt Nam đang đứng trước một thời điểm đặc biệt thuận lợi để chuyển hóa những thách thức thành cơ hội, để tiến những bước dài trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực chất, hiện đại và vì dân. Đó chính là nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-viet-nam-dot-pha-de-vuon-minh-315195.html
Zalo