Xây dựng nền tư pháp nghiêm minh, liêm chính... để tiến vào kỷ nguyên mới

Cần hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân... để tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Kỷ nguyên vươn mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trên thực tế, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là vấn đề lý luận- thực tiễn lớn, hệ trọng. Trong đó, hai vấn đề lớn cần quan tâm là vì sao phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và nội dung đổi mới mạnh mẽ, phương thức cầm quyền của Đảng là gì?

 Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: QH

Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: QH

Đổi mới để bứt phá và cất cánh

Ba vấn đề quan trọng quyết định việc cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, gồm vị trí và vai trò, thực trạng cũng như yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thứ nhất, về vị trí, vai trò. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước.

Phương thức lãnh đạo của Đảng được hiểu là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo

Còn phương thức cầm quyền của Đảng là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào các tổ chức, chủ yếu là Nhà nước, nhằm thực hiện đúng đắn, đầy đủ ý chí chính trị, quyền và trách nhiệm của Đảng cầm quyền, quyền làm chủ của nhân dân.

Cả hai yếu tố này đều nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết và các nội dung lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng.

Thứ hai, về thực trạng. Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chỉ rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII cũng chỉ rõ việc này vẫn còn có những hạn chế. Có thể kể đến như một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế.

Ngoài ra, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc…

Đặc biệt, trong nhiều hạn chế Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra có vấn đề: “Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều”.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến 2045. Để đạt được những mục tiêu đề ra, dân tộc ta phải vươn mình.

Kỷ nguyên mới, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, được bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền.

 PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phân cấp phân quyền đi đôi giám sát, kiểm soát quyền lực

Những phân tích trên cho thấy có nhiều vấn đề cần thực hiện để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó có tám nội dung chủ yếu.

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức và thực hiện nghiêm về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định từ Đại hội VII và Đại hội VIII, đến Đại hội XIII tiếp tục, bổ sung, phát triển nhận thức, đến đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011). Tuy nhiên, phương thức cầm quyền là gì chưa được xác định rõ. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII cũng chưa làm rõ nội dung của phương thức cầm quyền.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, “thượng tôn” pháp luật. Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước; quyền lực của Đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật.

Sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, phải đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Cần xác định rõ Đảng ban hành những văn bản gì và khi nào ban hành văn bản mới.

Khắc phục bệnh hình thức trong học tập, quán triệt nghị quyết. Tập trung nghiên cứu, thể chế thành luật và các văn bản dưới luật. Xây dựng các quy định, quy chế của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện…

Bên cạnh đó, cần tập trung lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt một số nội dung. Cụ thể, với Quốc hội, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt coi trọng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trọng tâm; chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.

Đối với Chính phủ, tập trung lãnh đạo xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả... Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy hành chính, cải cách hành chính, đi đôi với nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Với các cơ quan tư pháp, đặc biệt lưu ý xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Còn với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

 Một trong những nội dung cần thực hiện để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ. Ảnh: TTXVN

Một trong những nội dung cần thực hiện để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ. Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Với nội dung này, chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.

Cạnh đó, chú trọng định hướng chính trị, tư tưởng; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng, phù hợp với thực tiễn.

Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ. Đây là nội dung rất quan trọng, do vậy cần cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Song song với đó, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh.

Chúng ta cần tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Cần khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ cũng như xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở các cấp, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng liêm chính, chuyên nghiệp hơn…

Bảy là, đổi mới việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Lưu ý phát hiện, chấn chỉnh hành vi thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm.

Tám là, tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; mở rộng hình thức họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến; giảm hội họp không cần thiết.

Khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại.

Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

PGS, TS. NGUYỄN VIẾT THÔNG, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-dung-nen-tu-phap-nghiem-minh-liem-chinh-de-tien-vao-ky-nguyen-moi-post821420.html
Zalo