Xây dựng nền hành chính tỉnh Lào Cai kiến tạo phát triển

Cụ thể hóa Đề án của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 329 với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Mục tiêu có tính trọng tâm của kế hoạch là hướng tới xây dựng nền hành chính tỉnh Lào Cai có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, đảm bảo thực hiện đúng đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024, phóng viên Báo Lào Cai có cuộc phỏng vấn đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung này:

 Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án xây dựng cơ bản và làm việc trên địa bàn huyện Si Ma Cai.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án xây dựng cơ bản và làm việc trên địa bàn huyện Si Ma Cai.

Phóng viên:Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, tại Lào Cai, nhiệm vụ chính trị về xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, nền hành chính kiến tạo phát triển xuất phát từ yêu cầu thực tế như thế nào và đã được tỉnh xác định ra sao?

Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Căn cứ Nghị quyết số 76 ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, căn cứ Đề án số 14 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, căn cứ yêu cầu thực tế, Kế hoạch số 329 của UBND tỉnh lựa chọn cải cách thể chế là hàng đầu và là trọng tâm trong cải cách hành chính, đây cũng là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển tỉnh Lào Cai. Thứ hai: Lấy cải cách thủ tục hành chính là khâu trọng tâm và được triển khai mạnh từ cấp tỉnh đến cơ sở theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thứ ba: Đẩy mạnh cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước một cách quyết liệt, đồng bộ. Thứ tư: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ năm: Cải cách chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính công; tiếp đó là cải cách cơ chế, chính sách về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, từng bước hoàn thiện việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

 Thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai.

Thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai.

Phóng viên: Hướng tới xây dựng các cấp chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả, chúng ta đã rút ra điều gì từ việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy chính trị, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay Lào Cai đã tinh gọn, giảm 46 đầu mối tổ chức hành chính; đã sắp xếp, giảm 133 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 15,6%); giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập để giảm 647 thôn, tổ dân phố.

Bài học rút ra sau sắp xếp là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tinh thần đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy phải xuất phát từ thực tiễn, không áp đặt chủ quan, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, đảm bảo tính ổn định, tránh sự nóng vội mà gây nhiều xáo trộn. Kết hợp chặt chẽ giữa sắp xếp tổ chức, bộ máy với thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Yêu cầu sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức, đơn vị hành chính phải thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính, năng lực phục vụ Nhân dân phải được nâng lên.

Phóng viên:Thưa đồng chí, trong Đề án số 14 về cải cách hành chính, điều gì khiến nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính được tỉnh đặt lên hàng đầu?

Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Vì nền tảng của công tác cải cách hành chính là cải cách thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế của nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bởi vậy cần cải cách thể chế để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả bước đầu trong cải cách thể chế tại Lào Cai phải kể tới công tác xây dựng, rà soát, cập nhập văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm; từ đầu nhiệm kỳ tới nay, HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 437 văn bản quy phạm pháp luật, ngoài 30 văn bản cấp xã, 114 văn bản của cấp huyện, số còn lại là của cấp tỉnh ban hành.

Bên cạnh cải cách thể chế, tỉnh cũng xác định công tác cải cách thủ tục hành chính, coi khâu này có vai trò đặc biệt quan trọng nên đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành thực hiện. Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ công tác cải cách hành chính tại lĩnh vực có nhiều tác động đến phát triển, nguyện vọng của Nhân dân như đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, kinh doanh… Gắn với đó, tỉnh cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính, công khai, minh bạch quy trình và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã cắt giảm trung bình 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạch toán sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2024, việc cải cách thủ tục hành chính đã tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp 15 tỷ đồng.

 Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai.

Phóng viên:Còn đối với cải cách chế độ công vụ, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh?

Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Cải cách chế độ công vụ là một trong những nhiệm vụ đột phá trong cải cách hành chính công, góp phần quyết định sự thành công của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước nên được tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện ở một số kết quả triển khai như sau: Tỉnh đã và đang cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn. Luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức hợp lý giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, bảo đảm cân đối cơ cấu cán bộ, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 152 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý được sắp xếp, điều động, luân chuyển. UBND tỉnh cũng thường xuyên có chỉ đạo sát sao công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; nêu cao đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tỉnh cũng đang nỗ lực để hạn chế, đẩy lùi hiện tượng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ; thực hiện chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ “7 dám”.

Nhiều thủ tục hành chính được đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Nhiều thủ tục hành chính được đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Phóng viên:Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục xây dựng các cấp chính quyền vững mạnh, nền hành chính kiến tạo phát triển, điểm mấu chốt là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Để các cấp chính quyền vững mạnh, nền hành chính kiến tạo phát triển, điều tiên quyết là phải lấy con người trung tâm và cũng là trọng tâm thực hiện. Cụ thể là coi xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm then chốt, mang tính quyết định thành công mục tiêu xây dựng chính quyền vững mạnh, nền hành chính kiến tạo phát triển, hiện đại, hiệu quả.

Trong bối cảnh phát triển công nghệ nhanh và mạnh, cán bộ, công chức phải có khả năng tạo các giải pháp thông minh, hiệu quả hơn để giải quyết các công việc, xử lý các vấn đề thách thức, phức tạp nảy sinh trong công việc và cuộc sống xã hội. Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là: Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức chuẩn về tin học, ngoại ngữ, có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới, biết áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước ở địa phương, thay đổi tư duy từ quản lý - cai trị sang tư duy hỗ trợ, phục vụ, kiến tạo, sáng tạo, đồng hành thúc đẩy sự phát triển, tập trung xây dựng chính quyền tương tác, đối tác, liêm chính, kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ”.

Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn!

Báo Lào Cai

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xay-dung-nen-hanh-chinh-tinh-lao-cai-kien-tao-phat-trien-post389412.html
Zalo