Xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Cách đây 99 năm, ngày 21-6-1925, tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng nước nhà. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích của quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển trường tồn đất nước.

Sau Báo Thanh Niên, nhiều tờ báo cách mạng của Việt Nam như: Báo Kông Nông (1926), Báo Lính Kách mệnh (1927), Báo Búa liềm (1929)… tiếp tục ra đời để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, giác ngộ tinh thần đoàn kết, liên minh, làm cách mạng của quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng thực sự là vũ khí sắc bén kết hợp với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào năm 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng loạt cơ quan báo chí ra đời thực hiện sứ mệnh vẻ vang là cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân kháng chiến, kiến quốc.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương và Bình Phước), giữa vòng vây càn quét, khủng bố của Mỹ - Diệm, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã xuất bản tờ báo lấy tên là “Đấu tranh cho hòa bình thống nhất Tổ quốc” và xuất bản liên tục trong 2 năm 1956, 1957. Mục đích của tờ báo nhằm tuyên truyền cho phong trào đấu tranh thống nhất đất nước. Báo in từ giấy sáp viết tay, được phát hành hằng tháng với nội dung chủ yếu phổ biến chủ trương, đường lối đấu tranh theo phương thức hòa bình của Đảng, châm biếm và đả kích bè lũ tay sai bán nước Ngô Đình Diệm.

Những năm sau đó, cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, tại Thủ Dầu Một đã ra đời một số tờ báo cách mạng khác, như “Cờ giải phóng”, “Tin tức”, “Thông tin”… mang nội dung tuyên truyền đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc và kiên quyết chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn ác của Mỹ - Diệm.

Gần một thế kỷ qua, những người làm báo cách mạng đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả mặt trận, phản ánh kịp thời các phong trào cách mạng, các cuộc đấu tranh, các trận quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Hàng ngàn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan báo chí của Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những gì cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có các cơ quan báo chí của Bình Phước đã phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã và đang mở ra những cơ hội mới cho báo chí Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội phát triển đã tạo ra đột phá trong việc thu thập, xử lý và phân phối thông tin giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng báo chí. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức với những người làm báo và các cơ quan báo chí trước sự cạnh tranh gay gắt của những phương tiện truyền thông mới. Đòi hỏi người làm báo cần nhạy bén, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng, quan điểm: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của xã hội, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Tự hào về truyền thống vẻ vang với những bước phát triển, trưởng thành vượt bậc và cống hiến to lớn trong suốt 99 năm qua, đội ngũ những người làm báo hôm nay, trong đó có những người làm báo của tỉnh Bình Phước càng nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta.

Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159011/xay-dung-nen-bao-chi-cach-mang-chuyen-nghiep-nhan-van-va-hien-dai
Zalo