Xây dựng một thế hệ làm phim mới của điện ảnh Việt

Tại nhiều quốc gia, điện ảnh trở thành ngành công nghiệp tỷ đô, không những thế còn giúp quảng bá hình ảnh quốc gia rất hữu hiệu. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh rất cần lực lượng nhân lực trẻ tài năng.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF 3), Hội thảo "Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam" đặt ra vấn đề làm sao để những tài năng trẻ cất cánh trong thời đại mới, để chúng ta có thêm những tiếng nói mới, đa dạng và đa chiều trong điện ảnh.

Tài năng trẻ cần bệ phóng

Điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đang phát triển mạnh và có những tiếng nói độc đáo trong khu vực cũng như trên thế giới. Con số “đạo diễn trăm tỷ” ngày càng tăng là một tín hiệu tốt cho thị trường điện ảnh trong nước. Ngoài ra, ở dòng phim độc lập, những năm qua, các đạo diễn trẻ đã gây được những tiếng vang ở các liên hoan phim uy tín trên thế giới và mang về những giải thưởng danh giá. Nhưng để thúc đầy sự phát triển của nền điện ảnh, chúng ta cần nhiều hơn những tiếng nói mới từ những tài năng trẻ để góp phần làm cho bức tranh điện ảnh Việt Nam đa dạng, nhiều chiều hơn.

Cần hỗ trợ tài năng trẻ để phát triển nền điện ảnh.

Cần hỗ trợ tài năng trẻ để phát triển nền điện ảnh.

Bà Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho rằng, điện ảnh Việt Nam đã từng có một thế hệ vàng, làm nên những bộ phim về chiến tranh xúc động, còn mãi với thời gian nhưng bây giờ chúng ta cần xây dựng một thế hệ làm phim mới trên sự kế thừa và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc. Điện ảnh Việt Nam muốn phát triển bền vững phải đầu tư cho thế hệ kế thừa, để bổ sung thêm năng lượng sáng tạo, cập nhật thêm những yêu cầu về kỹ thuật ngày càng mới, hiện đại. Tư duy sáng tác cũng cần phải thay đổi, đặc biệt là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Hiện nay, bối cảnh sản xuất phim, phát hành phim đã thay đổi nên sự nghiệp làm phim cần sự hội nhập với thế giới. Vì vậy, cần thiết phải đào tạo một thế hệ làm phim mới không những biết kể câu chuyện bằng hình ảnh động mà còn biết nắm bắt nhiều phương tiện, nhiều "vũ khí" công nghệ hiện đại”.

Bà Bích Hà cho rằng việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh trẻ không chỉ là nhiệm vụ của các trường đào tạo mà cần có sự trợ giúp của nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để nuôi dưỡng được các nhà làm phim trẻ tài năng cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ đào tạo, cố vấn, hỗ trợ tài chính... đến tạo cơ hội trình chiếu tác phẩm và các cơ duyên để phát triển nghề nghiệp.

“Việc kết nối giữa các trường đào tạo trong nước và các đối tác quốc tế, liên kết với các tổ chức phát triển điện ảnh và các nền tảng số sẽ mở ra cơ hội cho những chương trình trao đổi sinh viên cho các cuộc liên hoan phim sinh viên, hoặc tổ chức các workshop, phát triển các dự án liên kết”, bà Hà nói.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - người sáng lập Chương trình đào tạo làm phim của Đại học Hoa Sen, giảng viên Đại học Fullbright cho rằng, một người làm phim chuyên nghiệp không chỉ cần kiến thức về điện ảnh, kỹ năng sản xuất mà còn phải hiểu biết rộng về văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ. Do đó, để phát triển các tài năng trẻ, các chương trình đào tạo cần đi sâu vào nền tảng nhân văn giúp học sinh có góc nhìn đa chiều và có cái nhìn phản biện, có khả năng đối thoại với thực tại và cộng đồng.

Nhà sản xuất Trinh Hoan cũng cho rằng, những nhà làm phim trẻ hiện nay thiếu cơ hội cọ xát với thực tế vì thế họ mất nhiều thời gian loay hoay tìm đường. Việc một sinh viên có cơ hội làm việc thực tế với một đoàn phim sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn hơn. Hiện nay, các trường đại học mở ra nhiều khoa liên quan đến điện ảnh nhưng chưa đủ điều kiện cho sinh viên thực tập và có trải nghiệm thực tế với đoàn phim chuyên nghiệp. “Tôi có ý định mở một chương trình bổ trợ cho các trường đại học, tạo cơ hội cho các bạn trẻ theo đuổi điện ảnh tới làm việc thực tế. Bởi chúng tôi có quy trình sản xuất từ đầu tới cuối một bộ phim, có mối liên hệ với các đạo diễn, nhà sản xuất… Đó là những điều kiện quan trọng để các bạn bước chân vào thị trường điện ảnh thực sự”.

Ngoài ra, đối với các nhà làm phim trẻ, hỗ trợ từ các quỹ rất quan trọng để họ có tài chính và niềm tin đi con đường mình muốn. Từ kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm TPD, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể lại hành trình khởi nguồn từ một bộ phim ngắn cá nhân cho đến việc thành lập một tổ chức chuyên hỗ trợ các bạn trẻ làm phim. Dự án “Chúng ta làm phim” của TPD từng bị coi là tham vọng khi hướng đến đối tượng học sinh – sinh viên không chuyên, nhưng đến nay đã đào tạo hơn 100 lớp với hàng ngàn học viên.

Ông chia sẻ, chính những bạn trẻ bắt đầu từ sự hồn nhiên đó sau này đã có tác phẩm vươn ra thế giới. Như Hà Lệ Diễm – học viên TPD – với phim tài liệu được vào shortlist Oscar. “Điều tôi rất tự hào là cảm hứng mà các bạn trẻ tìm thấy được ở TPD. Và tôi cũng thấy mình thật may mắn, vì trong suốt quá trình làm việc tại đây, chính TPD cũng đã truyền cho tôi niềm cảm hứng và tình yêu với điện ảnh”.

Cần tạo ra một hệ sinh thái cho đào tạo điện ảnh

Theo các chuyên gia, chúng ta cần một hệ sinh thái cho đào tạo điện ảnh. Hiện nay, với sự cạnh tranh về nội dung với các loại hình như: TikTok, YouTube, … đặc biệt, nguy cơ hiện tượng “thương mại hóa” trong đào tạo làm cho người học dần nhạt nhòa tính bản thể cá nhân và mất dần đi bản sắc khi mải mê đuổi theo yếu tố công nghệ và chỉ quan tâm tới yếu tố thị trường.

Bà Bích Hà dẫn chứng Cơ quan quảng bá nghệ thuật điện ảnh và nghe nhìn của Pháp (Centre National du Cinéma) là một mô hình điển hình của nhà nước hỗ trợ trong việc tài trợ cho các nghệ sỹ trẻ, điều phối và định hướng phát triển điện ảnh, từ các khâu sản xuất phim, phân phối sản phẩm đến đào tạo nguồn nhân lực. Sự đầu tư bài bản này tạo nên một hệ thống khép kín, nơi mà các tài năng trẻ có không gian môi trường để phát triển chuyên môn mà không bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Đó cũng là một dẫn chứng sống động cho Việt Nam trong vấn đề đạo tạo. Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế là quy luật tất yếu để Điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn. Điện ảnh Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tạo điều kiện cho các tài năng trẻ được tiếp cận với các chuẩn đào tạo quốc tế, đồng thời để các nghệ sỹ trẻ có thể chia sẻ những câu chuyện mang sắc thái văn hóa riêng biệt của mình ra với thế giới.

Chương trình “Ươm mầm tài năng” của DANAFF.

Chương trình “Ươm mầm tài năng” của DANAFF.

Việc kết nối giữa các trường đào tạo trong nước và với các đối tác quốc tế, liên kết với các tổ chức phát triển điện ảnh, và các nền tảng số sẽ mở ra cơ hội cho những chương trình trao đổi sinh viên cho các cuộc liên hoan phim sinh viên, hoặc tổ chức các workshop, và phát triển các dự án liên kết.

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đã bước đầu xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu học thuật, mời chuyên gia quốc tế về giảng dạy, gửi sinh viên tham gia các khóa học trao đổi với cơ sở đào tạo nước ngoài. Trường cũng đã tham gia một số liên hoan phim ngắn quốc tế để đưa tác phẩm của sinh viên ra với công chúng, tạo cơ sở quan trọng cho sự phát triển về chuyên môn cho các nhà làm phim trẻ. Đạo diễn, thạc sĩ Nguyễn Hồng Quân, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh nhận định: “Hợp tác quốc tế trong đào tạo điện ảnh là một xu thế tất yếu. Và dù có đào tạo quốc tế hay trong nước thì trường học là nơi các bạn tự tin nói tiếng nói của mình, kể câu chuyện của mình. Đó chính là tương lai của điện ảnh, của các nhà làm phim trẻ”.

Một vấn đề được đặt ra nữa để làm tròn đầy hệ sinh thái điện ảnh đó chính là khán giả. PGS.TS Hoàng Cẩm Giang (Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần đào tạo khán giả, “nuôi dưỡng” gu thẩm mỹ của khán giả. Thực tế cho thấy, có nhiều phim độc lập dành được các giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim quốc tế như “Mưa trên cánh bướm”, “Bi đừng sợ”, Culi không bao giờ khóc”… nhưng khi chiếu ở Việt Nam lại vắng khán giả. Trong khi đó, mong muốn của các đạo diễn trẻ là phim được chiếu và đón nhận ngay chính ở quê hương mình. Khán giả chính là một động lực cho họ tiếp tục hành trình làm phim. Do đó, việc đào tạo thế hệ làm phim mới phải song hành với nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Bản thân lớp khán giả mới sẽ tạo nên hệ sinh thái mới cho điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Việt chỉ có thể phát triển tốt trên hệ sinh thái hoàn thiện chứ không chỉ là vấn đề của kịch bản, đạo diễn, diễn viên...

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF nhấn mạnh: "Bồi dưỡng tài năng điện ảnh là hoạt động trọng tâm trong các mùa DANAFF. Chương trình "Ươm mầm tài năng" đến nay đã bước sang mùa thứ 3, quy tụ nhiều gương mặt ấn tượng. Nhiều bạn trẻ đã có những thành công đầu tiên trong nghề, và không ít người sau khi thành danh đã quay lại đồng hành cùng chương trình. Một nền điện ảnh phát triển phải được nuôi dưỡng từ những tài năng trẻ, mới mẻ và đầy năng lượng sáng tạo. Việc phát hiện, đào tạo thế hệ mới là nhiệm vụ then chốt để xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp và bền vững".

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/xay-dung-mot-the-he-lam-phim-moi-cua-dien-anh-viet-i774334/
Zalo