Xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất

UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An vừa có quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án (DA) xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm thực hiện chủ trương tiểu DA 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo mô hình giảm nghèo hỗ trợ sản xuất theo nhiệm vụ quy định tại Điều 23 của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ.

Bò là vật nuôi quen thuộc của không ít hộ dân trên địa bàn huyện Bến Lức nên được chọn làm vật nuôi cho dự án

Bò là vật nuôi quen thuộc của không ít hộ dân trên địa bàn huyện Bến Lức nên được chọn làm vật nuôi cho dự án

Đây là DA “Xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ tại các xã: Tân Bửu, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Thạnh Đức, Mỹ Yên, An Thạnh”. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,3 tỉ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỉ đồng, vốn đối ứng từ người dân 655,5 triệu đồng. Theo quyết định, UBND huyện Bến Lức giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức thực hiện.

Theo đó, huyện xây dựng nội dung công việc thực hiện DA là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình bền vững về hỗ trợ nuôi bò sinh sản và gà thịt tại các xã: Tân Bửu, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Thạnh Đức, Mỹ Yên, An Thạnh, có 60 hộ tham gia DA (là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ).

Trong quá trình triển khai DA, Phòng LĐ-TB&XH tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản và nuôi gà thịt” cho đối tượng hộ nghèo chuẩn bị nuôi bò sinh sản, nuôi gà thịt với số lượng 67 người (gồm 60 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, lãnh đạo và cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, lãnh đạo UBND các xã có hộ tham gia).

Các hộ tham gia DA sẽ được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ nhằm chăn nuôi hiệu quả, phát triển chuỗi sản xuất bền lâu.

Theo DA, tại các xã: Tân Bửu, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Thạnh Đức, Mỹ Yên có 57 hộ sẽ được cung cấp bò giống lai Sind; 3 hộ dân tại xã An Thạnh sẽ được cung cấp gà nòi thịt và thức ăn cho gà.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH, DA xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo thêm việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận công cụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng.

Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nghèo bền vững, làm cơ sở cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong thời gian tới.

Bò, gà là vật nuôi quen thuộc của không ít hộ dân trên địa bàn huyện Bến Lức nên được huyện lựa chọn làm vật nuôi cho DA, phù hợp với điều kiện của hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất. Khi tham gia DA, hộ dân có thể lồng ghép với các nguồn vốn khác để tăng thêm nguồn lực khi thực hiện.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Đức - Nguyễn Ngọc Huân cho biết: Xã Thạnh Đức hiện không còn hộ nghèo nhưng còn hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Một số hộ dân của xã được chọn tham gia DA xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất là điều kiện thuận lợi góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Khi hộ dân được hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế, xã sẽ cử công chức làm đầu mối theo dõi quá trình chăn nuôi. Khi mô hình thực hiện hiệu quả sẽ được nhân rộng, tăng quy mô, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho hộ gia đình và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-mo-hinh-giam-ngheo-ho-tro-phat-trien-san-xuat-a185972.html
Zalo