Xây dựng mô hình gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
Những mô hình khuyến nông - khuyến lâm giúp nông dân học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh tham quan, học tập tại tỉnh Lào Cai về mô hình phát triển cây lê. Nhận thấy giống lê VH6 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Nguyên Bình, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, vật tư làm giàn vin cành với 0,35 ha, Hội Làm vườn Trung ương hỗ trợ giống 5 ha, phân bón 3 năm đầu thực hiện mô hình trồng lê VH6 tại xã Quang Thành, Vũ Nông. Sau 4 - 5 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, giá bán trung bình 30 - 40 nghìn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô và một số cây trồng khác. Từ hiệu quả của giống lê VH6, UBND huyện Nguyên Bình xây dựng kế hoạch phát triển cây lê giai đoạn 2021 - 2025, Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Định hướng phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng lê trên địa bàn huyện đạt trên 300 ha.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Sau khi mô hình trồng lê VH6 do Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, nhân dân ủng hộ và nhân rộng mô hình. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ giống, phân bón với 39,2 ha; nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trồng lê VH6 với 7 ha trên địa bàn 2 xã Vũ Nông, Thành Công; nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ giống, phân bón với 51 ha tại các xã: Vũ Nông, Thành Công, Ca Thành và thị trấn Nguyên Bình, nhân dân mở rộng diện tích trồng lê lên khoảng 281,1 ha, chủ yếu tại các xã: Quang Thành, Vũ Nông, Yên Lac, Thành Công, Ca Thành. Ngoài ra, rải rác tại các xã, thị trấn khác. Trong đó, khoảng 238,6 ha là giống lê VH6, chiếm hơn 80% tổng diện tích lê, hiện nay trên 50 ha đã cho thu hoạch.
Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tự nguyện, đủ điều kiện, có vùng trồng tập trung để hỗ trợ tham gia các mô hình nông lâm nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đề xuất thực hiện nhiều mô hình trình diễn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như: Mô hình "Liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung” với quy mô 10 ha, 40 hộ tham gia, thực hiện tại xã Vân Trình (Thạch An); kinh phí nhà nước hỗ trợ 298 triệu đồng. Kết quả, năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng đạt 120 tấn/mô hình. Trong đó, Trung tâm phát huy vai trò cầu nối khi kết nối với Hợp tác xã Ba Sạch Hưng Đạo để liên kết tiêu thụ sản phẩm của mô hình; tổng thu nhập 42 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận bình quân 11,6 triệu đồng/ha, gấp 19,7 lần so với ngô lai đại trà.
![Đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Đông Anh tại thị trấn Thông Nông (Hà Quảng).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_619_51436124/ba293c71073fee61b72e.jpg)
Đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Đông Anh tại thị trấn Thông Nông (Hà Quảng).
Mô hình “Sản xuất đậu đỗ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” quy mô 10 ha với 50 hộ tham gia; thực hiện tại xã Quang Long (Hạ Lang); kinh phí Nhà nược hỗ trợ 149 triệu đồng, năng suất đạt 20 tạ/ha, sản lượng 20 tấn/mô hình. Doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận bình quân trên 6,22 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với giống đậu tương địa phương. Mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện tại huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa, tổng quy mô 1.000 m3 lồng và 8 hộ tham gia. Qua 3 năm thực hiện dự án, sản lượng cá bỗng có thể đạt 21.000 kg, giá bán tại lồng 150 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình trên 2 triệu đồng/m3.
Ông Hoàng Văn Bằng, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) chia sẻ: Khi huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh triển khai mô hình nuôi cá bỗng lồng bè tại 2 xã Mỹ Hưng, Tiên Thành, thấy cá bỗng hợp với điều kiện sông nước ở đây, tôi đầu tư mở rộng thêm mô hình. Qua thực hiện mô hình tôi thay đổi phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Hiện nay, gia đình tôi có 5 - 7 lồng, mỗi năm thu 6 - 8 tạ. Cá nuôi được thị trường ưa chuộng, mỗi năm thu nhập trên 30 triệu đồng.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Đàm Đức Phúc việc xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Các mô hình được triển khai chứng minh hiệu quả công tác khuyến nông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung tâm tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp cho các mô hình nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.