Xây dựng mạng lưới trường lớp đạt chuẩn

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025', thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu của chương trình.

Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên) - một trong số các trường công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên) - một trong số các trường công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Là một trong những đơn vị đi đầu xu thế phát triển của giáo dục Thủ đô theo tinh thần của Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội, quận Long Biên đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác rà soát quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất đầu tư xây dựng nhiều trường học mới, cải tạo, nâng cấp các trường cũ. Bên cạnh đó, quận cũng chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; rèn luyện, phát triển học sinh. Đến nay, 100% các trường trên địa bàn quận Long Biên đã được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ; các khu hỗ trợ học tập, giáo dục thể chất, sân chơi, bãi tập rộng rãi, hiện đại…

Năm học 2023-2024, quận Long Biên có 142 trường, gồm 93 trường công lập, trong đó có bốn trường công lập chất lượng cao và hai trường trong lộ trình thực hiện, đứng đầu thành phố về số lượng trường công lập. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 85,9%. Ngoài ra còn có hai trường quốc tế (Anh và Pháp). Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên Đào Thị Hoa cho biết, với tinh thần thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy, ngành giáo dục quận chú trọng xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; phát triển phẩm chất, năng lực người học; đề cao giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh…

Thời gian qua, ngành giáo dục Thủ đô đã cơ bản triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, đề án, kế hoạch của Chương trình số 06. Chất lượng giáo dục và đào tạo Thủ đô được duy trì, phát triển; mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư; công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm.

Đến nay, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, một trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục, gần 2,3 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên… Đáng chú ý, với chỉ tiêu đến năm 2025, Hà Nội có từ 80-85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tính hết tháng 11/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đã đạt 80,4%.

Kết quả này tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình (năm 2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố mới đạt 76,9%). Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của Hà Nội ngày càng chuyển biến mạnh mẽ. Trong hai năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của thành phố tăng 16 bậc, từ vị trí thứ 27 lên vị trí thứ 11 trong các địa phương. Học sinh Hà Nội luôn dẫn đầu trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Với chỉ tiêu đến năm 2025 có từ 3-5 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại với quy mô 5 ha trở lên, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất bổ sung đầu tư xây dựng 7 trường làm căn cứ để đầu tư, xây dựng. Hội đồng nhân dân thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án tại huyện Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì.

Các hoạt động bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh được triển khai rộng khắp; chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học cũng được nâng cao thông qua đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” và Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”. Toàn thành phố đã tổ chức lớp tìm hiểu về Đảng cho 1.610 học sinh, kết nạp 168 đảng viên mới là học sinh trung học phổ thông.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, mặc dù công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã được quan tâm, nhưng do đang ở giai đoạn giữa của kỳ kế hoạch, các dự án đầu tư công đầu tư cho các trường thuộc kế hoạch (cả công nhận mới và công nhận lại) đang thực hiện, chưa hoàn thành cho nên kết quả hiện tại tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với kỳ vọng, nhất là tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (hiện là 67,2%). “Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang tiếp tục đôn đốc, rà soát thực hiện nội dung này đến tháng 6/2025; đồng thời, báo cáo thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra”, đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy. Bên cạnh công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, Sở cần quan tâm thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng trường liên cấp hiện đại; hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý; xây dựng trường học văn hóa...

Gia Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-mang-luoi-truong-lop-dat-chuan-post851518.html
Zalo