Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 2): Đòi hỏi trách nhiệm cao của người 'cầm cân nảy mực'
Nhân sự là nội dung đặc biệt quan trọng trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân. Năm 2024 là năm bản lề trong quá trình xem xét, quy hoạch, lựa chọn nhân sự cho khóa tới ở các địa phương. Quy trình triển khai công tác cán bộ ở các tổ chức, cơ sở Đảng sẽ diễn ra thế nào, liệu có đảm bảo chọn đúng người cần cho dân, cho nước?
Trách nhiệm của những người có thẩm quyền “cầm cân nảy mực”
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, PGS.TS Lê Trọng Hanh - nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết, hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh và coi “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. “Về nhân sự, chúng ta đang thực hiện quy trình 5 bước - đây là bước đi đúng đắn về công tác cán bộ” - PGS.TS Lê Trọng Hanh nói.
Cụ thể hơn, liên quan tới công tác nhân sự, TS. Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II cho biết, hiện nay, chúng ta thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Tiêu chuẩn cán bộ được quy định tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 và Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị khóa XII. Tiêu chuẩn cấp ủy viên hiện được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 26-8-2024 của Ban Tổ chức Trung ương. Quy trình công tác cán bộ trong bầu cử ở Đại hội Đảng hiện nay thực hiện theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị. Theo đó, quy trình nhân sự tái cử cấp ủy gồm 2 bước, quy trình nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy gồm 5 bước. Riêng các quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử gồm 5 bước theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Ban Chấp hành Trung ương quy định quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. “Như vậy có thể thấy, quy trình về công tác cán bộ hiện nay rất đầy đủ, chi tiết, chặt chẽ, với các bước tuần tự, khoa học. Tất nhiên, quy trình gì thì vấn đề chính yếu vẫn ở nơi người thực hiện. Vì vậy, dù đã có quy trình đầy đủ, chặt chẽ, khoa học song rất cần tinh thần, trách nhiệm trước tập thể, địa phương, đơn vị, trước đất nước, nhân dân của những người có thẩm quyền “cầm cân nảy mực” - TS. Vũ Trung Kiên phân tích.
Cần đánh giá cán bộ dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ
Về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cấp ủy, có ý kiến cho rằng, những yêu cầu như có “bản lĩnh chính trị vững vàng”, “phẩm chất đạo đức trong sáng”… vẫn là những tiêu chí mang tính “định tính”, dễ tạo ra những kẽ hở để những người có tài mà thiếu đức che đậy thiếu sót, khuyết điểm. Vậy làm thế nào để định lượng được cụ thể những tiêu chí trên? TS. Vũ Trung Kiên cho rằng, chúng ta không thể mong muốn và đòi hỏi mọi thứ đều phải tuyệt đối, nhất là trong công tác cán bộ - liên quan tới con người cụ thể, vốn rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, ngoài các tiêu chuẩn định lượng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng ngoại ngữ… thì trong các tiêu chuẩn chung, cũng có những nội dung mang tính định tính như: “bản lĩnh chính trị vững vàng”, “phẩm chất đạo đức trong sáng”… cũng là điều dễ hiểu và không thể không chấp nhận.
Ngoài ra, dù đó là các nội dung mang tính “định tính” song với sự quan sát, đánh giá của tập thể, của những người có thẩm quyền đầy trách nhiệm - chắc chắn không khó để nhận ra ai thực sự là người có “bản lĩnh chính trị vững vàng”, “phẩm chất đạo đức trong sáng”, còn ai là người sử dụng các tiêu chí này để che đậy thiếu sót, khuyết điểm. “Tất nhiên, định lượng rõ ràng vẫn tốt hơn, dễ đánh giá hơn định tính chung chung khó định lượng. Vì vậy, trong công tác cán bộ, ngoài các quy định về tiêu chuẩn cả “định tính” và “định lượng”, rất cần đánh giá cán bộ dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ thực chất mà người đó đảm nhiệm” - TS. Vũ Trung Kiên chỉ rõ.
Theo PGS.TS Lê Trọng Hanh, trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, có những tiêu chí “mềm”, định tính nhưng cũng có những tiêu chí định lượng. Đánh giá cán bộ là công tác không đơn giản vì yêu cầu với phẩm chất của người cán bộ rất nhiều. Thực tế, công tác cán bộ cũng không thể lúc nào xử lý theo định lượng mà phải “thấu tình, đạt lý”. Vì thế, tiêu chí đánh giá không nên cứng nhắc, chỉ định tính hoặc chỉ định lượng. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ theo tiêu chí định lượng vẫn rất quan trọng, để tránh chung chung, trừu tượng. “Để “lượng hóa” tiêu chí đánh giá cán bộ, tôi cho rằng, phải lượng hóa bằng công việc hàng ngày, trong quan hệ với đồng chí, với nhân dân, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, vượt qua cám dỗ vật chất, đặt lợi ích của dân lên trên hết. Những điều đó không thể giấu được, nếu anh thực sự xông xáo, năng nổ, trách nhiệm, hiệu quả làm việc cao thì nhân dân, đồng nghiệp sẽ nhận biết được” - PGS.TS Lê Trọng Hanh nói.
Không để “con voi chui lọt lỗ kim”
Bên cạnh quy trình quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm qua nhiều bước, các vị trí cán bộ lãnh đạo còn phải kê khai tài sản, kiểm điểm, đánh giá hàng năm theo quy định. Tuy nhiên, qua những vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bị phát hiện vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, những công cụ kiểm soát này có phần chưa phát huy được hiệu quả, còn mang nặng tính hình thức.
Về nội dung này, TS. Vũ Trung Kiên cho rằng, đúng là nếu chỉ đọc quy trình công tác cán bộ của chúng ta thì có thể cảm nhận rằng nó chặt chẽ tới mức “con kiến cũng khó mà chui lọt”. Thế nhưng, thực tế, thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” với không ít sai phạm trong công tác cán bộ khi một số vụ việc nghiêm trọng bị phanh phui. “Nếu nói các yêu cầu như kê khai tài sản, kiểm điểm, đánh giá hàng năm chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức có lẽ cũng không sai, song thực chất thì những nội dung này đã góp phần giúp công tác cán bộ minh bạch hơn, trách nhiệm hơn và góp phần hạn chế sai sót. Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các triều đại phong kiến Việt Nam xưa có chính sách “hồi tỵ” tức là tránh đi, hiểu nôm na là cha con, ông cháu, anh em, thầy trò không được cùng làm quan một chỗ để tránh kéo bè kết cánh vì mưu cầu lợi ích riêng, ngày nay chúng ta gọi là “lợi ích nhóm” - TS. Vũ Trung Kiên nêu quan điểm.
Thời gian vừa qua, Đảng ta cũng ban hành rất nhiều các quy định về kiểm soát quyền lực như: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. “Chúng ta có quyền hy vọng, với những quy định về công tác cán bộ ngày càng đồng bộ, chặt chẽ và đi kèm với đó là các quy định về kiểm soát quyền lực, sẽ giúp công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, công minh, chính xác” - TS. Vũ Trung Kiên chia sẻ.
Nêu cao tính cạnh tranh, minh bạch, giải trình
Nêu cao tính cạnh tranh, minh bạch, giải trình “Các quy định, văn bản về công tác nhân sự đã đầy đủ, rõ ràng, vấn đề chính còn lại là cách thức thực thi. Vì vậy, để lựa chọn được đúng người đủ đức, đủ tài vào cấp ủy khóa mới, trước hết, phải công khai, minh bạch các khâu, quá trình lựa chọn cán bộ của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, cần nêu cao tính cạnh tranh, minh bạch, giải trình”.
TS Vũ Trung Kiên (Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II)
Bình luận về nội dung này, PGS.TS Lê Trọng Hanh cho rằng, khi cán bộ có tài sản tăng lên theo kê khai hàng năm, người đó có nghĩa vụ phải chứng minh được nguồn gốc của số tài sản này một cách rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để kịp thời kiểm soát được sự biến động về tài sản cũng như tính chính xác khi kê khai nguồn gốc của cán bộ trong diện quy hoạch và bổ nhiệm. Các công cụ đánh giá như kê khai tài sản, kiểm điểm, đánh giá hàng năm vẫn là việc cần thiết. Đây không phải công cụ mang tính hình thức mà bản kê khai của cán bộ chính là một trong những căn cứ để người làm công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ soi vào xem đối tượng được lựa chọn có trung thực không, có đang giấu giếm không? Nếu không có quá trình kê khai này, người làm công tác quy hoạch, kiểm tra khó có căn cứ để đánh giá.
PGS.TS Lê Trọng Hanh chia sẻ quan điểm: “Chúng ta cần nhận thức rằng, không cấm cán bộ làm giàu, tài sản lúc nào cũng bắt buộc năm sau phải bằng hoặc ít hơn năm trước mà cán bộ giỏi, làm giàu được cho gia đình, bản thân thì xã hội mới thịnh vượng. Nhưng điều quan trọng là cán bộ phải chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó, phải trung thực, công khai và không vi phạm quy định pháp luật; của cải vật chất đó không phải do tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà có”.
Kiểm tra, giám sát quyết liệt hơn nữa
Nhiều nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và một trong những nội dung quan trọng là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quá trình này được cho là có tác động rất lớn đến việc lựa chọn nhân sự khóa mới. Theo TS Vũ Trung Kiên, trong 3 nhiệm kỳ gần đây, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ sau Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 bao giờ cũng bàn và quyết định những nội dung về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Công tâm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết
“Muốn chọn đúng, chọn trúng người vì dân, vì nước, cấp ủy Đảng các cấp phải công tâm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Phải làm tốt công tác phát hiện người tài đức, đào tạo bồi dưỡng, thử thách họ trong công tác, công việc cụ thể trước khi quy hoạch, bổ nhiệm”.
PGS.TS Lê Trọng Hanh (Nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Học viện Chính trị Công an nhân dân)
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra 27 biểu hiện theo 3 nhóm gồm 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). “Việc Đảng chú trọng, đề cao công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là kỷ luật nghiêm minh đã góp phần quan trọng trong việc làm trong sạch bộ máy, đưa những người không xứng đáng ra khỏi đội ngũ. Điều này đồng nghĩa với việc những người thật sự tài năng, tâm huyết sẽ có “đất dụng võ” và giúp họ có thêm động lực để phấn đấu. Rõ ràng, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành quyết liệt trong 3 nhiệm kỳ gần đây đã có tác dụng rất lớn cảnh tỉnh, răn đe những người có biểu hiện, manh nha sai phạm, loại trừ những người sai phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người tài năng, tâm huyết có môi trường để phát triển” - TS Vũ Trung Kiên chỉ rõ.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Trọng Hanh khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc cần thiết phải làm mỗi ngày. “Trong thời gian tới, cần làm quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương, quy định để tạo sự răn đe… Tất cả sẽ có tác động tích cực tới đội ngũ nhân sự khóa mới” - PGS. TS Lê Trọng Hanh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn (Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ): Phải lựa chọn được người xứng đáng để gánh vác các trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó
- Phóng viên: Hiện nay đang là thời điểm quan trọng trong quá trình xem xét, quy hoạch, lựa chọn nhân sự cho khóa tới để tìm kiếm các vị trí đủ sức gánh vác nhiệm vụ khó khăn trong giai đoạn sắp tới. Quan điểm của ông về việc lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ tới như thế nào?
- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Công tác cán bộ luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi con người là trung tâm của mọi hoạt động. Về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, đầu tiên, phải thực hiện theo đúng các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng. Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm của những người tiến cử, đề xuất, những người có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ. Đề cao trách nhiệm ở đây bao gồm cả việc người đề xuất, tiến cử, bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, nghĩa là phải có sự ràng buộc trách nhiệm.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì lựa chọn cán bộ ngoài việc phải có đủ phẩm chất, năng lực thì quan trọng hơn là phải phù hợp, phải có tâm, có tầm, có thể gánh vác được các trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó. Nếu không lựa chọn được đúng người hoặc lựa chọn người không phù hợp với vị trí cần bổ nhiệm thì không thể nào có cán bộ gánh vác, dẫn dắt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Hơn nữa, nếu người được giới thiệu, bổ nhiệm không chuẩn, sau này được bố trí vào các vị trí không phù hợp, không phát huy được năng lực, thậm chí có sai phạm thì đó cũng chính là một rào cản, một điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển. Thế nên, điều quan trọng là phải lựa chọn được người xứng đáng.
- Chúng ta đã có quy trình cán bộ theo 5 bước chặt chẽ, tuy nhiên, vì sao nhiệm kỳ vừa qua vẫn “để lọt” những cán bộ không đủ đức, đủ tài dẫn đến những hậu quả tai hại, có giải pháp nào để việc lựa chọn cán bộ chính xác hơn, thưa ông?
- Quy trình của chúng ta đã có đầy đủ. Điểm cốt yếu là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện công tác cán bộ. Chúng ta vẫn nói “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, trong thực tế thì tập thể cho ý kiến, lựa chọn sáng suốt, nhưng trách nhiệm cụ thể của người được giao phụ trách về công tác cán bộ phải được nâng lên, được đề cao hơn và phải có chế định.
Như tôi đã nói trước đó, nếu người có thẩm quyền tiến cử, quyết định bổ nhiệm cán bộ mà lựa chọn bổ nhiệm được cán bộ tốt thì phải khen thưởng, biểu dương, đáng tiếc, hiện nay, chúng ta chưa có chế định nào về việc này. Ngược lại, nếu anh lựa chọn cán bộ không đúng, đưa vào bộ máy những người không xứng đáng hoặc sau này phát hiện họ có sai phạm thì cũng phải có chế tài xử lý, điều này thực tế cũng chưa có. Tôi cho rằng, nếu có những chế tài cụ thể, rõ ràng về việc này thì cũng là một giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ tới.
- Chúng ta đã có tiêu chuẩn chi tiết đối với cấp ủy viên nhưng có ý kiến cho rằng một số trong đó mang tính “định tính” không dễ để đánh giá, năm trước còn “bản lĩnh chính trị vững vàng” nhưng năm sau đã bị phát hiện có tiêu cực, tham nhũng, chúng ta khắc phục điều này như thế nào, thưa ông?
- Cán bộ là con người, đánh giá con người thì đúng là có những yếu tố chỉ định tính được chứ khó định lượng cụ thể. Tuy nhiên, cái định tính đó phải phụ thuộc vào quan điểm của người tiến cử, giới thiệu, đề xuất cán bộ. Còn cái định lượng thì phải thể hiện ở chỗ phẩm chất, năng lực của cán bộ như thế nào, thể hiện cụ thể qua kết quả công tác của họ trước đó ra sao, đã đạt được những thành tích gì. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã hoàn thành tốt chưa, có để xảy ra các sai phạm hay khuyết điểm gì liên quan đến năng lực, trách nhiệm hay không...
Cùng đó, nên ưu tiên lựa chọn được những người có tinh thần cống hiến. Bởi cán bộ làm việc mà chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thôi thì không bao giờ đạt được kết quả như mong muốn. Người ta vẫn nói “cán bộ nào, phong trào ấy”. Người lãnh đạo phải có tố chất quy tụ, tập hợp được mọi người. Cứ nhìn ngay trong quan hệ của họ với người dân, với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới mà không tốt thì làm sao có thể quy tụ được.
Không ai giỏi hết được mọi thứ, người lãnh đạo là người quy tụ, huy động được sức mạnh tập thể để phát huy hết được năng lực, thế mạnh của từng người nhằm giúp cơ quan, đơn vị vững mạnh hơn chứ không thể đòi hỏi họ phải là người giỏi nhất ở tất cả mọi lĩnh vực. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước thì phải sống chan hòa, gần gũi với nhân dân, đó cũng chính là một trong những yêu cầu hiện nay, yếu tố này tuy nói là định tính nhưng cũng không khó để định lượng được. Ngược lại, khi cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám tham mưu, không dám đề xuất, không dám làm, dám quyết… thì công việc từ trên xuống dưới đều “không chạy”, sức ỳ trong bộ máy sẽ nhìn thấy rõ ngay.
- Bên cạnh quy trình quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm qua nhiều bước, các vị trí cán bộ lãnh đạo còn phải kê khai tài sản hàng năm. Vừa qua, đã phát hiện một số trường hợp lãnh đạo “giàu nhanh bất thường” với khối tài sản hàng trăm tỷ đồng gây bức xúc dư luận, chúng ta nên làm thế nào để những công cụ kiểm soát này phát huy được hiệu quả, thưa ông?
- Yêu cầu kê khai tài sản là một cơ chế giám sát tốt với cán bộ, nhất là các vị trí lãnh đạo. Song để phát huy hiệu quả của cơ chế này, điều quan trọng là sau kê khai thì phải công khai rộng rãi. Anh kê khai mà sau đó không công khai thì ai kiểm soát được? Thực tế, có không ít cán bộ đã kê khai không trung thực nhưng do chỉ công khai trong nội bộ, phạm vi hẹp nên không có ý kiến phản bác.
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Anh Tuấn!
Tiến Hưng (Thực hiện)
(Còn nữa)