Xây dựng 'lá chắn xanh' ven biển
Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm phục hồi các diện tích rừng, trong đó có rừng ven biển. Trong đó, dự án thành phần Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình (FMCR) được triển khai trong những năm gần đây nhằm góp phần củng cố thêm 'lá chắn xanh' quan trọng để bảo vệ cuộc sống của chúng ta...
Dự án FMCR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với địa điểm triển khai thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ven biển, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Dự án FMCR khi được điều chỉnh và phê duyệt có thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài đến năm 2026, với mức đầu tư 95 triệu USD, trong đó dự án thành phần FMCR tỉnh Quảng Bình là 12.612.000 USD, tương đương 298,499 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án thành phần FMCR tỉnh Quảng Bình là cải thiện quản lý rừng ven biển, ven sông và tại các huyện đã được lựa chọn thông qua việc cải thiện các hoạt động lâm sinh nhằm bảo vệ rừng ven biển, ven sông hiện có, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; hỗ trợ các bên liên quan ở huyện, thị xã, thành phố bảo vệ và phát triển bền vững các dịch vụ của hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, dự án còn triển khai các nhiệm vụ, như: Giao khoán quản lý, bảo vệ 1.050ha rừng hiện có; trồng phục hồi 413,72ha rừng phòng hộ ven biển; trồng mới 170,68ha rừng phòng hộ ven biển; hỗ trợ cây giống, vật tư cho 33 xã thuộc dự án triển khai trồng khoảng 182.000 cây phân tán.
Kể từ năm 2021 đến cuối tháng 8/2024, dự án thành phần FMCR Quảng Bình đã tiến hành thiết kế, thi công trồng rừng, chăm sóc rừng với diện tích 584,4ha (bao gồm cả trồng rừng phục hồi, trồng mới, chăm sóc), với các loại cây chủ yếu là phi lao, bần chua. Quá trình khảo sát thực tế cũng như việc lựa chọn giống cây để tiến hành trồng rừng ven biển được triển khai thực hiện theo đúng quy phạm kỹ thuật hiện hành và quy định, hướng dẫn tại sổ tay dự án, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Thực tiễn cho thấy, việc trồng rừng phòng hộ ven biển những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tỉnh ta liên quan đến vấn đề môi trường, xã hội, phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai, góp phần bảo vệ đê điều, giảm thiểu tối đa thảm họa khi giông bão, triều cường đổ bộ.
Đặc biệt, việc trồng rừng phòng hộ ven biển còn góp phần hạn chế nhiễm mặn đối với đất canh tác nông nghiệp; bảo vệ môi trường sống cho sinh vật biển ven bờ, duy trì tính đa dạng sinh học vùng ven biển; điều hòa khí hậu, làm trong sạch môi trường. Công tác thực hiện trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển thông qua các cộng đồng địa phương còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm, quyền lợi từ việc bảo vệ và phát triển rừng; giải quyết công ăn việc làm cho người dân thông qua việc thuê khoán lao động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án thành phần FMCR trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều yếu tố tác động tiêu cực, trở ngại, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch triển khai trồng rừng và các hoạt động khác của dự án. Thế nhưng, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án thành phần FMCR tỉnh Quảng Bình và những nỗ lực, quyết tâm của các sở, ngành, địa phương, người dân, đến nay dự án được triển khai tại Quảng Bình đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra theo yêu cầu của nhà tài trợ.
“Từ những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, như đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng, trồng và phục hồi rừng để tăng cường khả năng chống chịu của các khu vực ven biển..., dự án FMCR đã và đang đóng góp đáng kể trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại địa bàn tỉnh. Với địa bàn thực hiện rộng, có sự tham gia, hưởng lợi của hàng nghìn hộ dân, kết quả của dự án tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của các địa phương tham gia dự án...”, ông Trần Chí Phương cho biết thêm.
Có thể nói, công tác trồng rừng, quản lý rừng ven biển nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng là phù hợp với định hướng của chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Cụ thể, đó là bảo vệ môi trường sinh thái; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; kéo dài, nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm lâm nghiệp; cải thiện sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng ven biển... Dự án còn góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và đóng góp quốc gia của Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên bảo đảm tăng trưởng xanh bền vững và xóa đói giảm nghèo của WB.
Phó Giám đốc dự án FMCR Trần Chí Phương chia sẻ: “Việc thực hiện dự án tại các tỉnh, thành phố ven biển sẽ góp phần tạo tiềm năng phát triển kinh tế xanh và du lịch sinh thái cho khu vực. Tuy nhiên, khu vực này cũng dễ bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu. Vì vậy, công tác phục hồi, phát triển, quản lý hiệu quả và tạo lợi ích bền vững rừng ven biển theo mục tiêu của dự án FMCR chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ các tài nguyên hiện có, tăng cường tính chống chịu và thích ứng trước những bất lợi đến từ thiên nhiên. Đây cũng sẽ là nguồn sinh kế đắc lực của cộng đồng, người dân địa phương để xây dựng 1 cuộc sống sung túc hơn, hứa hẹn sẽ “gặt hái” được những thành quả ngọt từ việc tích cực ươm mầm từng cây giống để xây dựng nên những “lá chắn xanh” trên biển.