Xây dựng khu kinh tế - quốc phòng: Điểm tựa vững chắc phát triển vùng biên giới
Năm 2024, các quân khu, binh đoàn và đoàn kinh tế-quốc phòng (KT-QP) triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, cách làm thiết thực góp phần xây dựng khu KT-QP vững mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình tuyến biên giới ổn định, phát triển.
Giúp dân từng bước giảm nghèo
Mới 5 năm trước đây, gia đình anh Hồ Văn Ma ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn phải sống phụ thuộc vào rừng. Ngày ngày, anh Ma lặn lội vào rừng sâu kiếm ít thực phẩm đắp đổi qua ngày. Mùa mưa lũ về, anh Ma không thể lên rừng, trong nhà thiếu thốn đủ thứ. 3 đứa con của anh Ma xanh xao, nheo nhóc. Đoàn KT-QP 337 (Quân khu 4) đã hỗ trợ gia đình anh hai con dê sinh sản và hướng dẫn cách chăn nuôi, chăm sóc. Từ những con giống hỗ trợ ban đầu, gia đình anh Hồ Văn Ma đã phát triển đàn dê lên 35 con, kết hợp trồng trọt nên đã thoát nghèo. 3 người con của anh Ma được ăn no, được đến trường; vợ chồng anh cũng sửa sang lại được ngôi nhà kiên cố, vững chãi. Gia đình anh Ma chỉ là một trong rất nhiều gia đình ở thôn Chênh Vênh được bộ đội giúp đỡ phát triển kinh tế. Thấy việc chăn nuôi dê hiệu quả, bà con trong thôn Chênh Vênh rỉ tai nhau làm theo. Cuộc sống của người dân thôn Chênh Vênh cũng như bà con tại các khu KT-QP đã bớt đi sự chông chênh, chơi vơi giữa núi rừng heo hút. Ngôi làng nghèo nằm chênh vênh bên sườn núi dốc bạc màu nay được bao bọc bởi màu xanh bát ngát của cà phê, hồ tiêu... trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch của địa phương.
Đội sản xuất 9 thuộc Trung đoàn 52, Đoàn KT-QP 337 đóng quân trên địa bàn, có nhiệm vụ phối hợp với địa phương trong thực hiện các dự án KT-QP. Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện đã dành nhiều tâm sức tuyên truyền, vận động bà con; "cầm tay chỉ việc" về kỹ thuật làm chuồng trại, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Đội đã triển khai các mô hình kinh tế hỗ trợ bà con phát triển sinh kế bền vững, tiêu biểu như: Mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi thủy cầm, gia cầm tạo chuỗi thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thực phẩm phục vụ du lịch của địa phương; mô hình nuôi dê bản địa và lợn nái sinh sản; mô hình nuôi bò 3B lấy thịt và bò lai Sind sinh sản...
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó tư lệnh Quân khu 4 cho biết: “Các đoàn KT-QP của Quân khu đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí ổn định cuộc sống cho hàng nghìn hộ gia đình, xây dựng các điểm dân cư tập trung, tạo "vành đai mềm" bảo vệ biên giới; các đơn vị xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa bàn đóng quân. Như mô hình nuôi cá tầm, lợn siêu nạc, dê sinh sản ở Khu KT-QP Khe Sanh (Quảng Trị); mô hình chăn nuôi lợn bản địa sinh sản, cá nước ngọt, gà đen, chè shan tuyết, miến dong tại Khu KT-QP Kỳ Sơn (Nghệ An)... được nhân rộng, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.
Bám biên, giữ đất
Binh đoàn 15 thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 271 thôn, làng thuộc 41 xã, 9 huyện, thành phố của 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định; địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số (DTTS)... Với phương châm phát triển sản xuất đến đâu hình thành các cụm điểm dân cư đến đó, cùng với hai loại cây trồng chủ lực là cao su và cà phê, Binh đoàn từng bước mở rộng thêm các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất và đời sống, đào tạo nghề, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho gần 15.000 lao động, trong đó, lao động là người DTTS chiếm gần 60%. Binh đoàn vừa phát triển sản xuất, cung cấp sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho xã hội, vừa đầu tư tạo điều kiện phát triển, phân bố lại dân cư, tạo thế bố trí quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: “Binh đoàn đã xây dựng 266 cụm, điểm dân cư, xóa bỏ tình trạng "trắng" dân trên các tuyến biên giới. Bên cạnh đó còn tạo việc làm, ổn định đời sống cho gần 1.000 người dân Campuchia, hơn 500 người dân các dân tộc Lào với thu nhập ổn định ở mức bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng”.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân thời điểm giáp hạt, Binh đoàn 15 đã chỉ đạo các đơn vị ưu tiên tuyển chọn, đào tạo nghề, đưa vào làm việc, tạo việc làm ổn định cho đồng bào DTTS trên địa bàn; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả gắn kết hộ giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào DTTS địa phương. Từ 30 cặp hộ gắn kết ban đầu, đến nay, Binh đoàn đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết, qua đó giúp các hộ gắn kết có điều kiện trao đổi kiến thức, văn hóa, kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết trên tuyến biên giới.
Đoàn KT-QP 915 (Quân khu 9) cũng đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát triển các Khu KT-QP tứ giác Long Xuyên và Tân Hồng (Đồng Tháp), mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh. Đại tá Đặng Văn Dưỡng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 915 chia sẻ: “Đoàn tăng cường hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ dân vùng đồng bào DTTS trên tuyến biên giới, tạo việc làm ổn định để người dân yên tâm bám biên, giữ đất. Giai đoạn 2020-2024, Đoàn KT-QP 915 hỗ trợ 15 tỷ đồng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; có khoảng 30% hộ tham gia các mô hình đã thoát nghèo bền vững...”.
Các quân khu, binh đoàn, đoàn KT-QP đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP; vừa xây dựng lực lượng vừa tiến hành sản xuất, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống; thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người dân địa phương...
(Đánh giá của Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP năm 2025)