Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam: Thành tựu và những vấn đề, giải pháp đặt ra

Những năm qua, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước…

Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa là dân chủ, nghĩa là “dân là chủ, dân làm chủ”.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa thể hiện các giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại, vừa thể hiện những giá trị dân chủ trong bản sắc văn hóa, truyền thống dựng nước, giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có nội dung cốt lõi là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.

Phương thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp đã từng bước được hoàn thiện; thể chế hóa đầy đủ nội dung quyền con người trong các Công ước quốc tế về quyền con người trong Chương 2 Hiến pháp năm 2013; xây dựng pháp luật về dân chủ ở cơ sở, có nhiều chủ trương, biện pháp phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, quản lý xã hội... góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hiến pháp và pháp luật đã quy định về trách nhiệm, báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân của các cơ quan nhà nước, trong đó đã thể hiện đầy đủ trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy trên nhiều lĩnh vực. Dân chủ về kinh tế ngày càng được mở rộng, đã tác động tích cực đến việc giải phóng sức sản xuất, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Dân chủ về chính trị có bước tiến quan trọng, thể hiện ở việc bầu các cơ quan dân cử và Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; ở chất lượng sinh hoạt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tại các cuộc thảo luận của nhân dân tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, trong hoạt động của báo chí...Tại kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (cao nhất từ trước đến nay).

Thực tiễn thực hiện bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế thừa nhận về những thành tựu trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân, bảo đảm quyền của người dân về chính trị, dân sự, về xóa đói, giảm nghèo, về quyền phụ nữ, trẻ em, quyền của người thi hành án phạt tù, quyền của người có hoàn cảnh khó khăn v.v..

Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn chỉ tiêu cho phép. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa là dân chủ, nghĩa là “dân là chủ, dân làm chủ”. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa là dân chủ, nghĩa là “dân là chủ, dân làm chủ”. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng dân chủ, thiết thực, hiệu quả

Đối với cơ quan Quốc hội, có thể khẳng định, tổ chức, hoạt động của Quốc hội được đổi mới rõ nét, đỡ hình thức, hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực, hiệu quả.

Hoạt động lập pháp được đẩy mạnh, xây dựng, sửa đổi nhiều văn bản luật; hoạt động giám sát tập trung vào việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp, tư pháp của đất nước, như thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có chất lượng và thực chất hơn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (hơn 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng. Những văn bản này không chỉ hướng đến giải quyết những bất cập đã tồn tại nhiều năm, mà còn thúc đẩy minh bạch, hiệu quả trong quản lý kinh tế và xã hội.

Đối với Chính phủ, trong quá trình tổ chức hoạt động, Chính phủ luôn: “Bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó đối với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Do vậy, trong năm 2024, Chính phủ “đã tổ chức 9 phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật; trình Quốc hội thông qua 37 luật, nghị quyết; cho ý kiến thông qua đối với 30 dự án luật, nghị quyết, trong đó có 3 dự án luật quan trọng trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính”; đồng thời, Chính phủ “đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương 700 thủ tục hành chính; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia”.

Đặc biệt, “Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục khẳng định sự phối hợp ngày càng hiệu quả, chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ”.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, như: “Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.

 Tòa nhà Diên Hồng - nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Tòa nhà Diên Hồng - nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đồng bộ các giải pháp

Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân.

Theo đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27 - NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trong đó, tập trung vào tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng thông qua hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” phù hợp với thực tiễn đất nước. Đồng thời, xác định rõ hơn thẩm quyền của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong chỉ đạo hoạt động của chính quyền ở cấp tương ứng; đổi mới về phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng, phù hợp với Nghị quyết, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, thực hành dân chủ trong xã hội một cách thực chất. Tăng cường tính hiệu quả, nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền. Để thực hành dân chủ trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy tính Đảng, thì không thể thiếu là phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, “trong mối quan hệ Đảng mạnh, Nhà nước mạnh, không có chuyện Đảng mạnh, Nhà nước không mạnh”, để phục vụ Tổ quốc và Nhân dân ngày càng tốt hơn. Tăng cường tính pháp quyền (thượng tôn Hiến pháp và pháp luật) trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng ngày càng phù hợp cho xây dựng Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhu cầu của lịch sử và sự lựa chọn của Nhân dân; do đó tất yếu cần phải hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

DƯƠNG VĂN ĐẠI (Học viện Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-o-viet-nam-thanh-tuu-va-nhung-van-de-giai-phap-dat-ra-813899
Zalo