Xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường lớn nhất Đông Nam Bộ trước năm 2030

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có điểm cuối tuyến tại cầu Thủ Biên, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu

Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có điểm cuối tuyến tại cầu Thủ Biên, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu

Trong tờ trình, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự án Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là trục xuyên tâm đi qua địa phận các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) và là tuyến vành đai cao tốc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, việc triển khai đầu tư dự án nhằm thực hiện một trong 3 đột phá đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đồng thời, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và kết nối với Campuchia. Tuyến đường cũng đóng vai trò kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, các cảng biển và cảng hàng không quốc tế; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mở rộng và phát triển đô thị.

Trong quá trình nghiên cứu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần, các địa phương đã nghiên cứu các phương án đầu tư khác nhau (đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BT, BOT).

Trên cơ sở nguồn lực, khả năng cân đối vốn của các địa phương, tính khả thi, hiệu quả… các địa phương thống nhất lựa chọn loại hợp đồng BOT (hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để triển khai dự án trình các cấp thẩm quyền xem xét.

Về quy mô, đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 159km; điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phương án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện 1 lần theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh. Đối với công tác xây lắp, thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư phần đường bộ cao tốc có tim tuyến đi trùng tim quy hoạch, với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Đầu tư đường song hành, đường gom hai bên tuyến đường bộ cao tốc qua khu dân cư, khu đô thị (bố trí không liên tục) với quy mô tối thiểu 2 làn xe (đối với đường song hành) và đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B (đối với đường gom).

Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương dài gần 48km (không thuộc dự án), đã đầu tư 8,12km và đoạn xây dựng mới hơn 39km. Đoạn này, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai đầu tư theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là gần 123 ngàn tỷ đồng. Trong tờ trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Minh trước năm 2030. Đồng thời, kiến nghị áp dụng các chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/xay-dung-hoan-thanh-dua-vao-khai-thac-tuyen-duong-lon-nhat-dong-nam-bo-truoc-nam-2030-0251942/
Zalo