Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đặt mục tiêu Bình Dương dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại của khu vực. Nhân sự kiện Bình Dương tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh, phóng viên báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, xung quanh những định hướng và các hoạt động của sở sẽ triển khai trong thời gian tới.
Lễ ký kết “Hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học” giữa Học viện Chính trị Khu vực II, Trường Chính trị tỉnh và Sở KH&CN tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
- Lễ công bố Quy hoạch tỉnh diễn ra tới đây có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói chung, lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng, thưa ông?
- Lễ công bố Quy hoạch tỉnh tới đây là sự kiện rất lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bình Dương. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học. Trong giai đoạn mới, Bình Dương sẽ phát triển với tâm thế mới, cùng những định hướng, chương trình đột phá, những chiến lược mới thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng sức cạnh tranh của Bình Dương, tạo nền tảng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn tầm cao mới.
Bên cạnh đó, tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh còn diễn ra triển lãm về năng lượng xanh và các công nghệ hỗ trợ cho tự động hóa với quy mô toàn cầu do Hàn Quốc, Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) phối hợp tổ chức. Tại triển lãm, Sở KH&CN phối hợp với WTC tổ chức các hội thảo chuyên sâu liên quan đến công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp những giải pháp chuyển đổi công nghệ 4.0 để ứng dụng được năng lượng xanh trong giai đoạn mới.
Lãnh đạo ICF thăm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng BIIC (Bình Dương)
- Hoạt động quảng bá Top 1 ICF thuộc chuỗi sự kiện Bình Dương công bố Quy hoạch tỉnh? Xin ông cho biết rõ hơn về hoạt động này?
- Trong chuỗi sự kiện này, Bình Dương không tổ chức sự kiện một mình mà có sự tham gia của các đối tác quốc tế lớn, như WTC, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, một số nước châu Âu, trong đó có sự tham dự trực tiếp của 2 lãnh đạo ICF. Đồng thời, tại các sự kiện, hội thảo, 2 lãnh đạo ICF sẽ chia sẻ sự phát triển cũng như tầm nhìn của Bình Dương trong xu thế phát triển chung của toàn thế giới, đặc biệt là về phát triển thành phố thông minh, cộng đồng thông minh.
Tại sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh sẽ diễn ra các hội thảo thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới. ICF mong muốn thông qua sự kiện lần này sẽ gắn kết sâu hơn nữa Bình Dương với toàn mạng lưới ICF. Do đó, các hội thảo sẽ được tỉnh tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên toàn thế giới. Hầu hết các thành viên ICF là những địa phương phát triển công nghệ, phát triển thành phố thông minh hàng đầu của thế giới, có nguồn nhân lực mạnh mẽ. Việc tổ chức các hội thảo này sẽ kết nối được các thành viên ICF, tạo cơ hội, mạng lưới rất lớn để Bình Dương vừa học hỏi trao đổi kinh nghiệm, thu hút đầu tư, gắn kết nguồn nhân lực, chia sẻ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
- Tiếp tục phát huy vai trò, vị thế Top 1 ICF cũng như tạo ra những động lực mới trong giai đoạn tới, Bình Dương sẽ thực hiện những cách thức nào để phát triển trong tương lai, thưa ông?
- Bình Dương đã rất nỗ lực để đạt được Top 1 ICF. Vấn đề rất được quan tâm hiện nay là trong giai đoạn mới, làm thế nào để tỉnh vừa tiếp tục phát huy vị trí Top 1 ICF, vừa thể hiện Bình Dương là thành viên đóng góp tích cực trong mạng lưới ICF, cũng như làm sao gắn kết được nhiều hơn nữa các thành phố, doanh nghiệp, viện/trường thuộc ICF. Theo tôi, đây cũng là động lực mới để Bình Dương bứt phá trong giai đoạn tới. Đặc biệt, đối với ICF, định hướng phát triển không chỉ công nghệ hay phát huy những công nghệ của thời đại 4.0, mà hơn thế nữa là làm thế nào để xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo luôn luôn có những chiến lược mới, tiên phong, được tổ chức bài bản để thúc đẩy toàn bộ thành viên, thành tố trong ICF thay đổi, đổi mới không ngừng để đáp ứng trong thời kỳ mới, đó mới là “chìa khóa” để Bình Dương phát triển trong tương lai.
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Miền Đông trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm chế tác Fablab
- Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu Bình Dương dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực. Ngành khoa học - công nghệ tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ gì tiếp theo để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Quy hoạch tỉnh đề ra?
- Đối với ngành khoa học - công nghệ, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và giao nhiệm vụ thực hiện đó là làm sao gắn kết được “ba nhà”, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Viện/trường, các chuyên gia. Thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040. Chương trình đã xác định rõ trong từng giai đoạn, ngành khoa học - công nghệ sẽ triển khai những đề án/chương trình khoa học - công nghệ lớn để tổ chức, hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng, đề xuất các chính sách mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện/ trường là chủ thể nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới thành dạng các chương trình để mang lại hiệu quả cao, tổng thể vào những lĩnh vực khác nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh, Bình Dương sẽ phát triển các tổ chức khoa học - công nghệ, các hoạt động khoa học - công nghệ, như thu hút các viện/trường đầu tư vào Bình Dương; đẩy mạnh phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển cộng đồng, các nhà khoa học, hội, đoàn tạo thành một cộng đồng sôi nổi trong phát triển khoa học - công nghệ. Trong giai đoạn tới, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Bình Dương thành lập khu công nghệ thông tin tập trung. Tổng công ty Becamex IDC, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã tiến hành ký kết ba biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sở KH&CN có trách nhiệm gắn kết các viện/trường để tạo ra những đột phá mới. Cụ thể là mở ra các chương trình mới, các chương trình giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, chíp bán dẫn… Bên cạnh đó, sở ký kết với các ngành, cơ quan, viện/trường nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khoa học - công nghệ và đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG LÊ - TRẦN ĐÌNH TRÚC (thực hiện)