Xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Đến nay, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (QNCN, CN&VCQP) năm 2015 đã đi vào thực tiễn cuộc sống được 8 năm. Quá trình triển khai thực hiện luật trong BĐBP đã mang lại những kết quả quan trọng, đồng thời, cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như quy định độ tuổi phục vụ tại ngũ chưa phù hợp, việc thực hiện chế độ, chính sách về nhà ở, đất ở cho quân nhân thiếu tính khả thi... Những hạn chế, bất cập đó đòi hỏi cần được tháo gỡ kịp thời để phù hợp với điều kiện thực tiễn của BĐBP.

Đội ngũ QNCN, CN&VCQP có vai trò quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP. Ảnh: Nguyễn Hà

Đội ngũ QNCN, CN&VCQP có vai trò quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP. Ảnh: Nguyễn Hà

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật QNCN, CN&VCQP

BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, được tổ chức thành 3 cấp, đóng quân tại 44 tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển và 6 tỉnh, thành phố nội địa. Vị trí đóng quân và địa bàn hoạt động của BĐBP chủ yếu ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, môi trường độc hại, trình độ dân trí, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn và không đồng đều. Tổ chức, biên chế các đơn vị BĐBP đa dạng, nhiều loại hình, trong đó, đội ngũ QNCN, CN&VCQP chiếm gần 45% tổng biên chế.

Vì vậy, ngay sau khi Luật QNCN, CN&VCQP được ban hành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quán triệt, triển khai làm tốt các mặt công tác chuẩn bị, khi luật có hiệu lực thi hành đã kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ và thống nhất. Theo Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật QNCN, CN&VCQP và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, các cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền Luật QNCN, CN&VCQP giúp cho cán bộ, chỉ huy, đặc biệt là đội ngũ QNCN, CN&VCQP nắm được, hiểu được luật, từ đó xác định trách nhiệm tổ chức thực hiện và chấp hành thực hiện luật.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật trong BĐBP luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp. Việc tổ chức triển khai thi hành Luật QNCN, CN&VCQP đã tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ QNCN, CN& VCQP. Từng bước xây dựng đội ngũ QNCN, CN&VCQP tinh, gọn, mạnh đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng, góp phần xây dựng BĐBP vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Mới có 3,3% QNCN được hưởng chính sách nhà ở, đất ở

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật QNCN, CN&VCQP cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống chức danh nhân viên chuyên môn kỹ thuật chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ; công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ QNCN, CN&VCQP, đảm bảo quân số còn nhiều hạn chế; chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn, trước mắt; chưa có nhiều chủ trương, biện pháp mang tính căn cơ, lâu dài. Đội ngũ QNCN, CN&VCQP của BĐBP còn thiếu nhiều so với biên chế, mất cân đối giữa vùng miền và ngay trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, một số quy định của luật còn bất cập, chưa phù hợp với Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) như quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCN theo cấp bậc quân hàm, cấp úy là 52 tuổi. Trong khi đó, theo Luật Lao động và Luật BHXH hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60 tuổi. Để được hưởng mức lương hưu 75% thì người tham gia đóng BHXH phải đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ. Trong khi đó, quy định hạn tuổi nghỉ hưu của QNCN theo cấp bậc quân hàm như trên so với quy định của Luật Lao động, thời gian đóng BHXH ngắn nên mức hưởng lương hưu thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của QNCN và gia đình, hậu phương khi nghỉ hưu.

Theo khoản 3, 4, Điều 36 của Luật QNCN, CN&VCQP, QNCN, CN&VCQP được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội, thuê nhà ở công vụ; được hưởng phục về nhà ở. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể phụ cấp hay chính sách nhà ở đối với QNCN, CN&VCQP trong Quân đội. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh BĐBP, hiện nay, mới chỉ có 551/16.734 đồng chí, chiếm tỷ lệ 3,3% được thụ hưởng chính sách nhà ở, đất ở. Nhiều QNCN, CN&VCQP vẫn phải thuê nhà ở, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Một bất cập khác là về chế độ phụ cấp, trợ cấp. Khoản 2, Điều 36 Luật QNCN, CN&VCQP quy định QNCN, CN& VCQP tại ngũ được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự, tuy nhiên mức hưởng còn thấp. Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết, cùng thực hiện nhiệm vụ như nhau nhưng cán bộ, chiến sĩ công an được hưởng chế độ cao hơn, phạm vi đối tượng được hưởng rộng hơn so với Quân đội (người trực tiếp và người gián tiếp làm nhiệm vụ đều được hưởng) hoặc cán bộ Đội Vận động quần chúng hưởng mức thấp hơn Đội Trinh sát, mặc dù điều kiện làm việc như nhau; cán bộ, chiến sĩ Đội Tuần tra vũ trang, Đội Kiểm soát hành chính và lực lượng làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu chưa được hưởng phụ cấp đặc thù...

Đề xuất sớm hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp nhà ở, đất ở

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật QNCN, CN&VCQP, từng bước xây dựng đội ngũ QNCN, CN&VCQP của BĐBP theo hướng tinh, gọn, mạnh, có sức chiến đấu cao, Bộ Tư lệnh BĐBP đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sớm đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định, hướng dẫn thi hành chính sách ưu tiên cụ thể về chế độ phụ cấp nhà ở, đất ở đối với QNCN, CN&VCQP; các trường hợp, tiêu chí được hưởng chính sách về nhà ở, đất ở, nhất là các đồng chí trong độ tuổi còn trẻ, nhu cầu rất lớn nhưng khả năng và cơ hội tiếp cận nhà ở, đất ở rất thấp, trong khi số lượng nhà ở công vụ còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đề nghị điều chỉnh nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ đối với cấp úy từ 52 tuổi lên 53 hoặc 54 đối với cả nam và nữ. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung của Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chế độ nghỉ của QNCN, QN&VCQP theo hướng được nghỉ phép thêm 10 ngày trong trường hợp đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300km trở lên và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1 để thống nhất với nội dung quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 153/2017-1505 ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của sĩ quan QĐND Việt Nam.

Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đề nghị bổ sung quy định chế độ nghỉ phép đặc biệt. Cụ thể, nam QNCN, CN&VCQP được nghỉ phép đặc biệt trong trường hợp vợ sinh con để đảm bảo thống nhất với quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 31 Luật BHXH và để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với QNCN, CN&VCQP và hậu phương gia đình.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-doi-ngu-quan-nhan-chuyen-nghiep-cong-nhan-vien-chuc-quoc-phong-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-post481876.html
Zalo