Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên
Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề chiến lược, đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta; một nội dung cơ bản của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt”. Đảng đã dành nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp; qua đó, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII ngày 18-6-1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tiếp tục khẳng định: “Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cán bộ và công tác cán bộ không những là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta; điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, coi công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đội ngũ cán bộ quân đội là một bộ phận cán bộ trọng yếu của Đảng. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhân tố có vai trò quyết định trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Thực tiễn gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ trong quân đội. Trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh tương đương, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu. Cơ quan, đơn vị nào có đội ngũ cán bộ chất lượng tốt, tinh thần trách nhiệm cao, người đứng đầu gương mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo thì đơn vị đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh
Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có sự phát triển với nhiều nội dung mới, sâu sắc và toàn diện. Điều này không chỉ thể hiện tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; đan xen cả thời cơ và thách thức, mà còn biểu thị rõ quyết tâm của Đảng ta xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi quân đội ta cần chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tham mưu chiến lược kịp thời với Đảng, Nhà nước trong việc đề ra các chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, chiến tranh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; “đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Vì vậy, phải tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, tiêu biểu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục và đào tạo, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới.
Trong những năm tới, trên cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, quân đội tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Có các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, tuyển dụng, tuyển chọn bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân đội ta còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đi đầu và là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...
Kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, hướng lái Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu đó, tư tưởng chỉ đạo của chúng là: Kết hợp “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với quá trình “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” nội bộ, thúc đẩy “tư nhân hóa kinh tế”, “tự do hóa chính trị”, “phi chính trị hóa” quân đội và công an, từng bước làm “đổi màu”, “biến chất” Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chống phá toàn diện, nhưng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Trước tình hình đó, một mặt, các cơ quan, đơn vị toàn quân cần tiếp tục quan tâm công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên”; mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đó cũng là điều kiện tiên quyết bảo đảm đội ngũ cán bộ quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị bám sát thực tiễn, nhiệm vụ của mình và yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trong tình hình mới để xác định nội dung, chủ trương, biện pháp tiến hành phù hợp, hiệu quả.