Xây dựng Đảng trên mặt trận Dân vận - Kỳ 1: 'Dân vận khéo' tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân
Thực tế đã khẳng định, công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
LTS: Là tỉnh biên giới Tây Nam của Tổ quốc, có gần 100km giáp Vương quốc Campuchia, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã đề ra nhiều chủ trương, hiến kế để chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ chính trị từ huyện đến xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội- một trong 4 tỉnh trọng điểm ĐBSCL; đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ vững bình yên vùng biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Tây Nam và xứng đáng với truyền thống quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến.
Kỳ 1: “Dân vận khéo” tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân
“Chìa khóa” thực hiện thành công mục tiêu
Trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác dân vận luôn được xem là khâu then chốt để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Do đó, An Giang luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị, trong đó vai trò và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có ý nghĩa quyết định.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", phát huy sức mạnh "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước Nhân dân. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với Nhân dân. Động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Xác định rõ công tác dân vận có vai trò quan trọng việc tạo sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, công tác vận động của hệ thống chính trị tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hướng mạnh về cuộc sống tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Công tác dân vận chính quyền được quan tâm thực hiện, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề khó khăn, bức xúc trong Nhân dân, công khai lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định những việc quan trọng của địa phương, tạo sự đồng thuận cao.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" của tỉnh An Giang được phát động rộng khắp, lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước, được cả hệ thống chính trị và Nhân dân An Giang đồng tình hưởng ứng. Từ đó, tích cực tham gia, trở thành phong trào thi đua rộng khắp, mang lại hiệu quả cả trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác dân vận, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò của Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền. 3 năm qua, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, huy động được sự tham gia, góp sức của Nhân dân, tạo thành phong trào rộng khắp, mang lại những kết quả tích cực cả trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tư tưởng của Nhân dân.
Xác định “Dân vận khéo” là “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, thúc đẩy an sinh xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp tỉnh An Giang luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng “gần dân, sát dân, lắng nghe dân”, nắm bắt và có biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Phong trào “Dân vận khéo” của tỉnh được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực: Trong xây dựng hệ thống chính trị; trong vận động góp sức chung tay xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; trong hỗ trợ phát triển kinh tế… Phong trào được các địa phương, đơn vị triển khai theo cách thức phù hợp tình hình thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay, toàn tỉnh An Giang có 12.362 mô hình của tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Kết quả, đã thực hiện được 11.651 mô hình. Riêng năm 2023, có 2.418 tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu trên cả 4 lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh), có 290 mô hình đăng ký “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”.
Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang trao 50 tỷ đồng hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” An Giang năm 2023 và “Cây mùa Xuân” Tết Giáp Thìn 2024
Khơi dậy sức mạnh của đồng bào tôn giáo
Là tôn giáo nội sinh được khai sáng ở làng Hòa Hảo (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Phật giáo Hòa Hảo ngày càng gắn bó với cộng đồng và đồng hành cùng các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Gìn giữ sự trong sáng của giáo lý chân truyền, những nơi có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cư ngụ, các Ban Trị sự đều định hướng cho tín đồ tu hành đúng giáo lý, giáo luật và đúng pháp luật của Nhà nước, xóa dần sự biến tướng, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, các luận điệu xuyên tạc, gây mất đoàn kết…
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng thông thoáng, cụ thể. Các cơ quan chức năng Nhà nước từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự cơ sở trong quá trình hoạt động. Các tín đồ đã phát huy tích cực đạo đức của tôn giáo, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Với quan niệm đặt “lợi ích chung hướng đến cộng đồng và tính mạng con người là trên hết”, hơn 2 năm, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân chung tay phòng, chống dịch COVID-19, hạn hán, bão lụt, thiên tai... Với đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, các trị sự viên, chức việc, cùng đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Các giá trị đóng góp ngày càng nhiều hơn, cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo được niềm tin trong đồng đạo.
Các hoạt động động từ thiện- xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thời gian qua, điển hình như: Cất nhà, làm đường, xây cầu nông thôn; xe đưa rước bệnh nhân; sưu tầm thuốc nam, chế biến thảo dược; xây dựng nghĩa địa Nhân dân; hỗ trợ gạo cho các điểm nấu cháo, cơm từ thiện tại các bệnh viện; khuyến học, khuyến tài…
Từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2021, tín đồ toàn đạo thực hiện công tác từ thiện - xã hội trên 1.300 tỷ đồng. Trong đó, trên 264 tỷ đồng thực hiện cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2022, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo trong toàn đạo đã đóng góp tiền, ngày công lao động và hiện vật với tổng trị giá trên 553 tỷ đồng. Trong đó, riêng tỉnh An Giang trên 92 tỷ đồng để xây nhà Đại đoàn kết, xây cầu, làm đường, nấu cơm, cháo từ thiện, trao học bổng, mua xe chuyển viện miễn phí cho người nghèo. Thiết thực phục vụ cuộc sống cộng đồng, theo phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” và tôn chỉ “Học phật, tu nhân” của Phật giáo Hòa Hảo, góp phần chung tay cùng các địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hiệu quả các mô hình ngày càng nâng lên, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua.