Xây dựng công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng

Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ ứng dụng rộng rãi thành tựu của công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Cơ sở sản xuất hoa lan Tùng Lâm của gia đình anh Lê Công Thuyết ở thôn Trịnh Thanh Vân, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đầu tư, nhân giống các loài lan bản địa bằng phương pháp gieo hạt mô phỏng tự nhiên và phương pháp tách chiết nhân giống trong nhà màng, chăm sóc tự động hiện đại

Cơ sở sản xuất hoa lan Tùng Lâm của gia đình anh Lê Công Thuyết ở thôn Trịnh Thanh Vân, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đầu tư, nhân giống các loài lan bản địa bằng phương pháp gieo hạt mô phỏng tự nhiên và phương pháp tách chiết nhân giống trong nhà màng, chăm sóc tự động hiện đại

Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Việc xây dựng kế hoạch này nhằm tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y học, bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ ứng dụng rộng rãi thành tựu của công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học của tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu công nghiệp sinh học đóng góp 7% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP); bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hải Dương có nền công nghệ sinh học phát triển, hình thành được trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học. Góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.

Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh ủy đã xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học...

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xay-dung-cong-nghiep-sinh-hoc-tro-thanh-nganh-kinh-te-ky-thuat-quan-trong-402432.html
Zalo