Xây dựng cơ sở hành lang pháp lý tạo 'bệ phóng' cho kinh tế tư nhân

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra 'bệ phóng' cho khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các đại biểu cũng đề xuất cần có sự ưu tiên ngân sách nghiên cứu cho các trường đại học, nơi tạo tri thức và nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: Vietnam+)

Các đại biểu cũng đề xuất cần có sự ưu tiên ngân sách nghiên cứu cho các trường đại học, nơi tạo tri thức và nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là "chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý đột phá, khơi thông tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hợp tác công-tư trong lĩnh vực này.

Khơi thông tiềm năng

Tại phiên thảo luận ở tổ (ngày 6/5), nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh Luật này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đây là Nghị quyết đặc biệt về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ trong giai đoạn tới. Đại biểu phân tích nguy cơ chiến tranh thương mại thực chất là sự chuyển dịch sản xuất sang các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ có giá trị gia tăng cao, dựa vào đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam dễ đối mặt với nguy cơ "bong bóng" thị trường bất động sản, mất cân đối thị trường lao động và tài chính.

"Trong 5-15 năm tới, lợi thế lao động giá rẻ sẽ mất đi. Hơn nữa, các quốc gia phát triển đều tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, trong khi chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá trị thấp," đại biểu Lê Quân cảnh báo.

Do đó, đại biểu Lê Quân cho rằng Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là "luật đầu tiên giúp khơi thông tiềm năng, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân và sự hợp tác công-tư." Theo ông, dự thảo được đánh giá có cấu trúc tinh giản, cô đọng, đổi mới tư duy theo hướng lấy đầu ra làm trọng tâm, tạo nền tảng hình thành thị trường khoa học, công nghệ.

Một trong những điểm nhấn của dự thảo luật là cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ. Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đánh giá cao điểm này. Bà cho rằng nếu không có cơ chế chấp nhận rủi ro, nhà khoa học gặp khó khăn khi nghiên cứu các vấn đề phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn nghiệm thu, khi vướng mắc trong triển khai. Việc đưa cơ chế này vào luật giúp thúc đẩy nhà khoa học, hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại hóa kết quả nghiên cứu dễ dàng hơn, tạo động lực và sự yên tâm để phát triển.

Cơ chế đánh giá cụ thể

Tuy nhiên, để tránh lạm dụng cơ chế này, các đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ về phạm vi, tiêu chí đánh giá rủi ro. Cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề xuất: "Dự thảo chưa rõ cách đánh giá rủi ro và sản phẩm nghiên cứu. Trong khi, sản phẩm khoa học là trí tuệ và khó nhìn thấy, nên cần cơ chế đánh giá cụ thể để tránh lạm dụng... Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm đánh giá của hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học để đảm bảo tính chuyên sâu."

Về điều này, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, chỉ nên áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro cho các dự án đột phá, không lường trước, không do thiếu trách nhiệm và được thẩm định bởi cơ quan cấp quốc gia, tỉnh và Hội đồng đạo đức khoa học.

Để Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Các đại biểu cũng đề nghị cần nâng mức chi ngân sách. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) đề nghị điều chỉnh quy định về ngân sách Nhà nước cho khoa học, công nghệ, đảm bảo đến năm 2030 bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm, phù hợp với Nghị quyết 57. Bên cạnh đó, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh thêm cần có giải pháp đảm bảo huy động được nguồn lực xã hội chiếm 60% ngân sách cho khoa học, công nghệ, theo tinh thần Nghị quyết 57.

 Để Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. (Ảnh: Vietnam+)

Để Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, dự thảo cho phép viên chức tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị làm rõ vai trò của trường đại học trong quy định này, và liệu viên chức có được quản lý, điều hành hợp tác xã hay không, để khuyến khích.

Ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu

Các đại biểu cũng đề xuất cần có sự ưu tiên ngân sách nghiên cứu cho các trường đại học, nơi tạo tri thức và nhân lực chất lượng cao và bổ sung khoản kinh phí ưu tiên cho những người được đào tạo nước ngoài, giúp họ áp dụng công nghệ vào thực tiễn. Theo các đại biểu, cơ chế tài chính hiện hành còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ. Do đó, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, từ lập dự toán, phân bổ đến thanh quyết toán, tránh chỉ áp dụng Luật Ngân sách.

 Các đại biểu kiến nghị cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, từ lập dự toán, phân bổ đến thanh quyết toán, tránh chỉ áp dụng Luật Ngân sách. (Ảnh: Vietnam+)

Các đại biểu kiến nghị cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, từ lập dự toán, phân bổ đến thanh quyết toán, tránh chỉ áp dụng Luật Ngân sách. (Ảnh: Vietnam+)

Mặt khác, nhiều đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển đất nước. Về điều này, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết đánh giá cao dự thảo khi xác định khoa học xã hội và nhân văn là bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học, công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, ông cho rằng các quy định về tài trợ, lĩnh vực ưu tiên, cơ chế hỗ trợ còn mờ nhạt, chưa tạo động lực để lĩnh vực này bứt phá. Do vậy, đại biểu đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn, xác định các lĩnh vực ưu tiên trong kỷ nguyên mới và khuyến khích công bố quốc tế trong lĩnh vực này.

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra "bệ phóng" cho khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, cần có những quy định cụ thể và khả thi để có thể khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho các nhà khoa học và doanh nghiệp. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-co-so-hanh-lang-phap-ly-tao-be-phong-cho-kinh-te-tu-nhan-post1036942.vnp
Zalo