Xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Xã A Ngo, huyện Đakrông có 7 thôn, với tổng dân số 3.751 nhân khẩu, 913 hộ. Người dân trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô (chiếm gần 95%). Toàn xã hiện có 429 hộ nghèo (chiếm 46,99%), 101 hộ cận nghèo (chiếm 11,06%). Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho hay, những năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, xã đã tập trung xây dựng các công trình thiết yếu trên địa bàn, nhằm hỗ trợ người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Theo đó, từ năm 2022 - 2023, xã A Ngo đã đầu tư 2,1 tỉ đồng bê tông hóa đường nội thôn La Lay và đường nội thôn A Đeng với tổng chiều dài tuyến trên 1.000 m; cải tạo, sửa chữa trạm y tế xã với kinh phí 513 triệu đồng. Cải tạo, sửa chữa nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ với tổng mức đầu tư 700 triệu đồng và tu sửa nhiều công trình khác.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh Trần Văn Tặng thông tin, từ năm 2022 đến nay, bằng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS&MN được phân bổ, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, như: làm đường bê tông ra khu sản xuất thôn Xà Lời; cải tạo hệ thống điện tại thôn Cây Tăm; cải tạo hệ thống điện tại thôn Thúc; duy tu, sửa chữa đường giao thông tại các thôn... Nhân dân rất phấn khởi và vui mừng vì bộ mặt nông thôn của xã ngày càng được cải thiện, chất lượng đời sống dần được nâng cao.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐTTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, hằng năm UBND tỉnh phân bổ vốn cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Từ năm 2022 - 2023, từ nguồn vốn được trung ương phân bổ 188,370 tỉ đồng để thực hiện Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh đã giải ngân được trên 185,431 tỉ đồng, đạt 98,4%.
Cụ thể, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông nông thôn; 7 công trình cung cấp điện; 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình sửa chữa trạm y tế; 18 công trình trường, lớp học; 4 công trình thủy lợi nhỏ; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ; 4 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; duy tu, bảo dưỡng 67 công trình.
Đến nay, 100% thôn, bản đã có điện lưới quốc gia; 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% thôn, bản có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có trường tiểu học, 75% xã có trường THCS, 38 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%. Trong năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào DTTS&MN (31 xã) giảm 6,92%.
Để đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của trung ương. Kiện toàn tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc ban chỉ đạo. Ban hành quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành chủ động bám sát, chịu trách nhiệm hướng dẫn, xây dựng kế hoạch hoạt động với sự phân công rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.
Việc phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân thực hiện chương trình được xây dựng ngay từ đầu. Những nội dung cơ sở thực hiện được giao cho cơ sở; những nội dung mới, mang tính chất liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp thì các cơ quan cấp tỉnh thực hiện.
Nhờ vậy, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương đã được tiến hành chặt chẽ, theo đúng quy định. Từ đó, sớm phát hiện các khó khăn, vướng mắc và góp phần tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền của các đơn vị.
Năm 2024, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 đã tích hợp nhiều chương trình, chính sách hơn và được thực hiện đồng bộ trên các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong đó, để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, từ nguồn vốn trung ương phân bổ năm 2024 là 84,221 tỉ đồng, tỉnh sẽ thực hiện xây dựng 76 công trình giao thông nông thôn; 3 công trình chuyển tiếp cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 4 công trình khởi công mới nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình sửa chữa trạm y tế; 20 công trình trường, lớp học; 1 công trình cải tạo, nâng cấp chợ và 8 công trình hạ tầng khác... Đồng thời, thực hiện duy tu, bảo dưỡng 39 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn sự nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG, nhất là chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN.
Xác định để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS&MN vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã bố trí.
Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS và người dân vùng núi.