Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực để du lịch phát triển nhanh, bền vững

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở du lịch địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và các ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong khẳng định, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng, Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Việc tổ chức Hội nghị là một bước quan trọng để đánh giá thực tiễn, từ đó tiếp tục đề ra chủ trương, chính sách phù hợp để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Báo cáo tình hình thi hành Luật Du lịch năm 2017.

Theo đó, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao; nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực; vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình…

“Đến nay du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc” - ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ngành “công nghiệp không khói” nước ta vẫn phải đối mặt không ít tồn tại, đó là: nhận thức của các cấp, ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa đồng đều; sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ. Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, trong khi nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới; quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan phát triển du lịch còn nhiều bước, nhiều thủ tục, thời gian kéo dài; cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch còn hạn chế; hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam dù đã có sự phát triển đa dạng hơn nhưng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp, khả năng cạnh tranh đột phá…

Liên quan Luật Du lịch 2017, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật, hệ thống pháp luật du lịch nhìn chung đã thể hiện sự linh hoạt, cập nhật kịp thời các quy phạm phù hợp luật chung và phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch; khẳng định rõ vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường du lịch phát triển bền vững.

Đặc biệt, công tác quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch đã đạt được những kết quả tích cực hơn, góp phần từng bước cải thiện chất lượng điểm đến du lịch và môi trường du lịch…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy trình bày báo cáo.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy trình bày báo cáo.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai Luật trong thực tiễn cùng với yêu cầu phát triển, sự thay đổi của xu thế thị trường đã làm bộc lộ một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Chẳng hạn như, một số nội dung Luật Du lịch năm 2017 chưa bao quát đầy đủ các loại hình lưu trú mới: bãi cắm trại du lịch, famstay, khách sạn bệnh viện, capsule hotel (buồng kén), mô hình kinh doanh dịch vụ căn hộ du lịch; chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn của một số loại hình du lịch như du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch; chưa có quy định về quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về du lịch với các cơ sở đào tạo trong việc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ… gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch.

Bên cạnh đó, thành phần hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành còn khá đơn giản, mức tiền ký quỹ thấp, chưa bảo đảm cho quyền và lợi ích của khách du lịch khi có sự cố xảy ra. Các chính sách ưu đãi về phát triển du lịch còn ít, chậm triển khai, thời gian hỗ trợ ngắn, hiệu quả chưa cao. Quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến như Airbnb, Agoda, Booking.com… chưa rõ ràng và chưa được đồng bộ với các quy định pháp luật…

Nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo động lực đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đóng góp nhiều đề xuất, giải pháp, tập trung vào các nội dung như: đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư du lịch; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch; tăng cường hợp tác công-tư để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch; chủ động nghiên cứu, dự báo để có phương án đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; điều chỉnh Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết Luật cho phù hợp tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển…

Đại diện Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến: Cần có chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch; thực hiện thí điểm đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định...

Đại diện Sở Du lịch thành phố Hà Nội đề xuất: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số ngành du lịch, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung kết nối với hệ thống của các địa phương; xây định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động chuyển đổi số; đồng thời có Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các nội dụng: xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này; phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch để định vị thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-tao-dong-luc-de-du-lich-phat-trien-nhanh-ben-vung-post851458.html
Zalo