Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Trong thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Nam Định đang khẳng định vị thế là “điểm sáng” của khu vực đồng bằng sông Hồng với chiến lược xây dựng chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Không chỉ dừng lại ở việc phát huy lợi thế đặc sản địa phương, Nam Định đã biến chương trình OCOP thành “đòn bẩy” quan trọng để kiến tạo mô hình sản xuất hiện đại, kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra, nâng cao giá trị nông sản và gia tăng năng lực cạnh tranh của kinh tế nông thôn.

Sản xuất sản phẩm OCOP “Xúc xích Sunny” tại Công ty TNHH Quý Thịnh (Hải Hậu).
Với quan điểm “hợp tác là nền tảng, công nghệ là động lực, thị trường là mục tiêu”, đến nay, tỉnh đã hình thành được 42 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, có 14 chuỗi trồng trọt với 5 chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, 1 chuỗi sản xuất, chế biến nấm, 7 chuỗi sản xuất rau, củ, quả; 15 chuỗi thủy sản bao gồm 8 chuỗi khai thác, chế biến hải sản và 7 chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản nước lợ; 10 chuỗi chăn nuôi, tập trung vào chế biến thịt lợn và bảo quản, tiêu thụ trứng gia cầm; 3 chuỗi lĩnh vực diêm nghiệp. Các chuỗi này đang hoạt động theo phương thức đồng bộ, minh bạch và có sự ràng buộc lợi ích giữa các chủ thể tham gia; phần lớn các chuỗi liên kết này đều gắn với sản phẩm OCOP - từ sản xuất đến chế biến, đóng gói, phân phối, không chỉ giúp kiểm soát chất lượng mà còn giúp giảm chi phí trung gian, gia tăng giá trị sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước đầu định hướng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) đang sở hữu chuỗi liên kết sản xuất chế biến gạo chất lượng cao quy mô lớn (trên 1.000ha) với 10 hợp tác xã và 11 hộ nông dân các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Ý Yên. Thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt khép kín từ thu hoạch đến chế biến, chuỗi liên kết đã tạo nên thương hiệu gạo sạch Toản Xuân với 1 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm “Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999”, “Gạo sinh thái ruộng rươi” đang trình Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm trong chuỗi hiện được phân phối tại 34 tỉnh, thành phố với sản lượng 6.000 tấn/năm. Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) đã xây dựng thành công chuỗi liên kết nuôi, chế biến và tiêu thụ ngao sạch Lenger với vùng nguyên liệu nuôi ngao đạt chứng nhận ASC/CoC rộng 500ha, công nghệ chế biến hiện đại. Hiện Công ty có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao và 1 sản phẩm “Nghêu thịt hộp Lenger” đang trình Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm ngao sạch Lenger đã được bày bán rộng rãi ở các siêu thị, nhà hàng lớn tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt các siêu thị tại thành phố Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường quốc tế như EU, Mỹ, Nhật Bản. Không chỉ tạo giá trị kinh tế cao, các chuỗi liên kết còn tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân vùng biển... Nông sản Nam Định không còn là những sản phẩm nông nghiệp đơn lẻ, thiếu định vị mà là những sản phẩm được liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, sẵn sàng bước vào “cuộc chơi lớn” với sự chuẩn hóa về chất lượng, thương hiệu và mô hình vận hành.
Để thúc đẩy việc phát triển sản phẩm OCOP từ chuỗi liên kết sản xuất, tỉnh đã triển khai hàng loạt chính sách đồng bộ, thiết thực, hỗ trợ toàn diện, từ khâu tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Trong đó, đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng hợp đồng liên kết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể có tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng làm theo phong trào hoặc bị động theo biến động thị trường. Tập trung chuyển giao công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO nâng cao chất lượng các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cũng được đẩy mạnh qua các hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối cung cầu và nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản trị, kinh doanh cho cán bộ HTX và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ các tổ chức tham gia OCOP. Việc đầu tư cho “lực lượng vận hành” sẽ là điều kiện cần để các chuỗi liên kết phát triển bền vững. Thành công của các chuỗi liên kết là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục nâng cao “chất” và “lượng” sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 534 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 3 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận OCOP 5 sao, 65 sản phẩm OCOP 4 sao và 465 sản phẩm OCOP 3 sao.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, liên kết theo chuỗi hướng tới phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng đến giới thiệu và bán hàng trên các nền tảng số. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông; thúc đẩy xúc tiến thương mại; hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử. Tư vấn, hỗ trợ toàn diện cho chủ thể OCOP, đặc biệt là hỗ trợ thiết kế lại bao bì, cải tiến nhãn mác, giúp sản phẩm có diện mạo chuyên nghiệp, dễ nhận diện và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại…
Có thể nói, việc xây dựng thành công các chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp kỹ thuật - kinh tế mà còn là chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững. Từ những sản phẩm làng quê, Nam Định đã kiến tạo thương hiệu nông nghiệp mang bản sắc riêng với tầm nhìn quốc gia, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên hội nhập bằng chính nội lực.