Xây dựng chính sách thu hút nhà giáo từ kinh nghiệm quốc tế

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), UNESCO tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa – Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và hơn 150 nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo... cùng hơn 10 tổ chức quốc tế, tổ chức của UNESCO và tổ chức phi chính phủ của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án Luật Nhà giáo với phương châm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng làm sao để thu hút, giữ chân được những người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với quy trình, thủ tục công phu, kỹ lưỡng. Trong đó có sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, các sở GDĐT.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, có 127 lượt ý kiến tại các tổ và có 37 ý kiến thảo luận tại nghị trường.

Hầu hết các ý kiến khẳng định, Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, công phu, chất lượng. Các ý kiến thảo luận tại nghị trường đều đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Vấn đề đặt ra là, làm sao gia tăng các chính sách thu hút nhà giáo, đồng thời làm rõ trách nhiệm, đạo đức của nhà giáo.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo quy định, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội 2 vòng. Vòng 1 đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến ngày 20/11 vừa qua. Tại kỳ họp thứ 9, dự kiến vào tháng 5/2025, Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới giáo dục quốc gia ở đất nước đang thay đổi nhanh chóng này.

Trong quá trình đó, Bộ GDĐT đã tham vấn với UNESCO - cơ quan chuyên môn về giáo dục của Liên Hợp Quốc và Lực lượng đặc nhiệm giáo viên quốc tế vì Giáo dục 2030 do UNESCO chủ trì về bối cảnh toàn cầu và khu vực của công việc chuyển đổi của nhà giáo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam nhận định, chất lượng nhà giáo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả học tập. Tuy nhiên, nghề giáo phải đối mặt với những thách thức đáng kể và phải thích ứng với nhu cầu giáo dục và xã hội không ngừng thay đổi.

Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo. Luật này sẽ đảm bảo rằng nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng cho mọi người, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi.

“Hội thảo là minh chứng cho cam kết chung của UNESCO và Bộ GDĐT trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của nhà giáo thông qua khung chính sách và pháp lý tại Việt Nam - đất nước đang thay đổi nhanh chóng”, bà Miki Nozawa cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các đơn vị tổ chức trong và ngoài nước đã tham gia tham luận, trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến liên quan đến thiết lập, xây dựng các chính sách thu hút nhà giáo, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo, kinh nghiệm quốc tế, quốc gia về xây dựng luật về đội ngũ nhà giáo…

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-chinh-sach-thu-hut-nha-giao-tu-kinh-nghiem-quoc-te-10295325.html
Zalo