Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân. Việc thực hiện các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Cán bộ, công chức bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng về: nội dung quản lý cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật; thẩm quyền quyết định biên chế công chức…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại cuộc họp.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.

Luật cán bộ, công chức (sửa đổi) tập trung vào 03 chính sách: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế tạo nguồn, thu hút thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị; thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở.

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Để đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy hiện nay, tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, các chính sách được nêu trong dự thảo Luật phải mang tính toàn diện, đột phá, tác động đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn xã hội. Đồng thời đề xuất bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức…

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nêu ý kiến, khi xây dựng chính sách trong dự thảo Luật cần phải có sự phân định rõ ràng giữa vị trí cán bộ và công chức. Về chính sách đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, bà Hòa cho rằng dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vẫn chưa đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề cốt lõi, như: phương pháp, cách thức xác định hệ thông vị trí việc làm, khung năng lực, khung tiêu chí, cơ sở cho việc xác định các quy định cụ thể trong đề xuất hợp lệ tại đề cương…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng đồng tình, cần phải xây dựng môi trường thực hiện công vụ lành mạnh để khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo… Đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm chính sách không chỉ giữ được nguồn nhân lực có chuyên môn mà còn thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị rà soát, điều chỉnh tên gọi của các chính sách. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những nội dung mang tính biến động thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành và kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần kiểm tra, xem xét lại nội dung của dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; đánh giá tác động chính sách trên các phương diện kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật; tính toán chi phí, lợi ích của từng giải pháp thực hiện chính sách và chi tiết hóa các chính sách thành các điều khoản trong Đề cương chi tiết dự thảo Luật.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị làm rõ cách thức xác định vị trí việc làm; cách thức và lộ trình thực hiện bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; tiêu chí xác định thứ bậc, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn nếu bỏ ngạch công chức…

Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-chinh-sach-phu-hop-de-thu-hut-trong-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post536178.html
Zalo