Xây dựng chính sách kinh tế báo chí, có ngân sách để báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong dự án sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chính sách về kinh tế báo chí, phải có ngân sách để báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông.
Liên quan đến vấn đề kinh tế báo chí, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề cạnh tranh giữa quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến làm giảm nguồn thu báo chí truyền thống; Gỉai pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống; Vấn đề thương mại hóa báo chí; Trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.
Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.
Năm 2023, Thủ tướng đã ra một chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, phải có bộ máy, ngân sách, đặt hàng cho báo chí thì đây cũng là một nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí.
Tuy nhiên, bản thân báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Về nội dung không kém nhưng về công nghệ thì kém. Do vậy, có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ báo chí tương đương mạng xã hội.
Theo ông Hùng, trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện.
"Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi", ông nói.
Vì vậy, từ năm 2023 các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Trong dự án sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chính sách về kinh tế báo chí.
Bộ trưởng Hùng cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau. Vì vậy ông mong muốn báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
"Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là đạo đức người làm báo. Bộ trưởng Hùng nói thu nhập của các cơ quan báo chí không phải thấp so với cán bộ, công chức. Nhiều cơ quan báo chí có mức thu nhập từ 15 - 20 triệu, cao hơn công chức, viên chức, thấp hơn so với doanh nghiệp, doanh nghiệp truyền thông.
Bộ trưởng nêu rõ Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung Ương, Hội Nhà báo Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào đạo đức người làm báo.
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh với mạng xã hội, ông Hùng cho rằng, khi mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề" của báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có hàng chục triệu "phóng viên" không mất tiền. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội.
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung để thông tin mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội. Đây là định hướng vai trò của báo chí cách mạng. Báo chí cần sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện. Trên các nền tảng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần xuất hiện để phổ cập tốt hơn.
Theo số liệu của Statista, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2023 tại Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 50% tổng chi tiêu toàn ngành quảng cáo Việt Nam (2,6 tỷ USD), tăng khoảng 30% so với năm 2021 (khoảng 850 triệu USD).
80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (hơn 1 tỷ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước...